Nhan nhản thực phẩm quá “đát”

(ANTĐ) - Vô tình hay thiếu thông tin mà người dân hàng ngày đã phải tiêu thụ không biết bao nhiêu loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP.

Nhan nhản thực phẩm quá “đát”

(ANTĐ) - Vô tình hay thiếu thông tin mà người dân hàng ngày đã phải tiêu thụ không biết bao nhiêu loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP.

Đấy là chuyện của người dân vài ba ngày mới đi chợ một lần. Còn người bán hàng ở các chợ lớn ở Thủ đô hàng ngày bán ra, nhập vào hàng núi thực phẩm, người quản lý  chợ “hàng ngày đi kiểm tra”, tại sao  thực phẩm quá  “đát”, thực phẩm kém chất lượng vẫn ngang nhiên tồn tại?

Thực phẩm quá hạn cả năm trời

Với ý định ban đầu tập trung kiểm tra việc thu hồi các sản phẩm nước tương gây ung thư, nhưng đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP đã phải chuyển hướng khi phát hiện ki-ốt 15, chợ Châu Long có gần chục loại thực phẩm quá “đát”, kém chất lượng.

Nhiều sản phẩm trong điều kiện mất vệ sinh nghiêm trọng, những cái nắp đã hoen gỉ, nhãn mác rách nát, vỏ chai, vỏ hộp đóng một lớp bụi dày… Những chai nước mắm nem pha sẵn đã hết hạn sử dụng từ 3-1-2006, tương ớt Trung Thành hết hạn từ 20-9-2006 nhưng vẫn được bày bán trên kệ.

Khi cầm những túi bánh phồng tôm lên, lớp sơn của các con chữ đã bong rơi đầy đất, không thể đọc được hạn sử dụng cũng như tên công ty sản xuất. Nước sốt, mơ muối, ngó sen ngâm, cà pháo dầm tôm… cũng ở trong tình trạng tương tự.

Qua kiểm tra ngẫu nhiên, đoàn đã phát hiện đến 9 sản phẩm quá “đát”, nếu kiểm tra kỹ lưỡng từng loại sản phẩm thì không biết số lượng quá  “đát” sẽ lên đến bao nhiêu? Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Nghị định 45, kinh doanh hàng thực phẩm hết hạn sử dụng sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng.

Đoàn cũng đã cảnh cáo chủ cửa hàng của ki-ốt ngay bên cạnh ki-ốt 15 về việc buôn bán nước mắm trong điều kiện mất vệ sinh. Nước mắm được để trong các xô cáu bẩn, đặt ngay dưới nền hè đường đi.

Do mắt kém, nhìn nhầm số 3 thành số 8 nên không biết hàng hết hạn sử dụng.
Do mắt kém, nhìn nhầm số 3 thành số 8 nên không biết hàng hết hạn sử dụng.

Những lời giải thích khó chấp nhận

Đâu đâu cũng dễ dàng tìm thấy thực phẩm Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan không có nhãn phụ tiếng Việt, có nghĩa là, chuyện “cái nhãn phụ” dường như vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Ngày 23-6, đoàn kiểm tra đã “vấp” phải sự phản kháng của chị Tạ Thị Hương - chủ ki-ốt 11-12 chợ Châu Long - khi đoàn yêu cầu trên thực phẩm của Trung Quốc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

 Khi được giải thích rằng, nếu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt thì người tiêu dùng sẽ không biết sản phẩm đó là gì, sẽ mua lầm phải sản phẩm không định mua, thì chị Hương sẵng giọng: “Chả ai đi mua thứ sản phẩm mà người ta không biết là gì”. Phải mất 15 phút giải thích, chị Hương mới thừa nhận: “Đến tận bây giờ tôi mới biết phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt”.

Tuy nhiên, chị Hương cũng cho rằng, việc dán nhãn phụ tiếng Việt này phải được kiểm tra và yêu cầu thực hiện ngay tại chợ đầu mối- nguồn nhập hàng chính, chứ người bán hàng chỉ nhớ mặt hàng theo thói quen mà thôi. Trả lời câu hỏi: Tại sao lại bày bán nhiều thực phẩm quá “đát”, sản phẩm không rõ nhãn mác như vậy? Chị Nguyễn Kim Dung - chủ ki-ốt 15 trả lời rất “ngây thơ”: “Do mắt kém, nhìn số 3 tưởng số 8, cho nên không biết các hàng trên đã hết hạn. Chứ biết hết hạn, tôi không để thế này đâu”(!?).

Trước việc vi phạm VSATTP nghiêm trọng của những cửa hàng trên, đoàn đã cho gọi đại diện của Ban quản lý chợ. Chị Nguyễn Kim Phương - Trưởng BQL chợ Châu Long cho biết: “Chợ thường xuyên tiến hành kiểm tra việc thực hiện VSATTP của các hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, từ ki-ốt 13 đến ki-ốt 19 là thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Thực phẩm Hà Nội, nên việc buôn bán của các ki-ốt trên không thuộc quyền quản lý của chợ”? Như vậy, để xảy ra tình trạng như thế này trách nhiệm thuộc về chính quyền quận Ba Đình. Ông Phùng Ngọc Hùng - Trưởng phòng Y tế quận, Phó trưởng Ban chỉ đạo VSATTP quận lại giải thích: “Ban chỉ đạo quận thường xuyên tiến hành kiểm tra việc thực hiện VSATTP của các hộ kinh doanh tại chợ.

Cách đây vài ngày có tiến hành kiểm tra việc thu hồi nước tương, nhưng không phát hiện ra điều gì”. Câu hỏi đặt ra là: Nếu thường xuyên kiểm tra, tại sao không phát hiện ra những ki-ốt có quá nhiều thực phẩm  quá  “đát” như vậy? Điều này cho thấy, chính quyền nhiều nơi còn xem nhẹ, còn kiểm tra “qua loa, đại khái”.

 Quy định đã được ban hành từ lâu, nhiều người bán hàng vẫn nói rằng mình không biết. Đó chỉ là cái cách bao biện của người bán hàng, nhưng từ đó cũng thấy rằng, vai trò của BQL chợ cần được nâng cao hơn nữa trong việc phổ biến các văn bản pháp luật, quy định của Nhà nước, để người kinh doanh hiểu và thực hiện cho tốt.

Hằng Thu