Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày này, người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước đều thành tâm tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương để tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi, khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước, đồng thời thể hiện tinh thần và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc.
Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra hàng năm với nhiều hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra hàng năm với nhiều hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

Điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc Việt Nam

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày mà mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.

Ý thức đầu tiên về sự cố kết cộng đồng của người Việt Nam đã được dân gian huyền thoại hóa bằng thiên truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” với hình ảnh “Bọc trăm trứng” chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc để lý giải nguồn cội con cháu Rồng Tiên. Từ đó, trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cũng chính vì vậy, Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành biểu tượng ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách, đoàn kết, gắn bó keo sơn để chiến thắng mọi thiên tai và kẻ thù.

Để tôn vinh thời kỳ khai thiên lập quốc và tỏ lòng biết ơn công lao của các vị anh hùng có công dựng nước, từ thời phong kiến, các vị vua đã cho lập đền thờ Vua Hùng. Các triều đại phong kiến từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần rồi đến nhà Hậu Lê đều tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ đấng Thánh Tổ nước Nam xưa. Cách đây hơn 1 thế kỷ, triều Nguyễn đã chính thức lấy ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày mồng 10-3 âm lịch hàng năm.

Kế tục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh cho công chức nghỉ ngày 10-3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Bác Hồ đã 2 lần về thăm Đền Hùng (năm 1954, năm 1962). Tại đây, Bác đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Từ năm 1995, ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết (năm 1999), Nghị định (năm 2001, năm 2004) về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ tổ Hùng Vương như Quốc lễ. Ngày 2-4-2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ tổ Hùng Vương.

Hàng năm, cứ vào ngày 10-3 âm lịch, người dân khắp nơi lại trở về Đền Hùng dự lễ, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc. Từ năm 2009, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia tổ chức của 3 đến 5 tỉnh, thành phố đại diện 3 miền Bắc - Trung - Nam. Từ năm 2013, vào các năm tròn, lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia.

Đặc biệt, ngày 6-12-2012, tại Paris, Pháp, phiên họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với sự đánh giá rất cao của hội đồng chuyên gia. Theo đánh giá của UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Phát huy sức mạnh nội sinh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vì thế, quan trọng là chúng ta làm sao phát huy truyền thống hướng về cội nguồn của Giỗ tổ Hùng Vương, để điều đó trở thành tinh thần đại đoàn kết toàn dân, thành sức mạnh nội sinh giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta, là biểu trưng sinh động của tư tưởng đoàn kết thống nhất toàn dân tộc. Bởi vậy, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ hơn nữa…”.

Thực tế cho thấy việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là phương thức và cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài học kinh nghiệm này vẫn còn nguyên giá trị và cần tiếp tục phát huy nhằm khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Muốn vậy, chúng ta phải tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động với nhiệm vụ “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Tiếp đó là phát huy sức mạnh sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Làm sao phải thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành những chính sách, quy chế, quy định cụ thể để nhân dân phát huy quyền làm chủ và thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách và các hình thức tổ chức để nhân dân được phát huy quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển tài năng, sức sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng, mang lại lợi ích cho mình và cho đất nước.

Hướng về Ngày Giỗ tỗ Hùng Vương, với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đang đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

(TTXVN)

(TTXVN)