Nhà thầu nội có đủ sức "gánh" dự án cao tốc Bắc - Nam?

ANTD.VN - Dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông sẽ được tổ chức đấu thầu lại và sẽ chỉ là sân chơi dành cho các nhà đầu tư nội. Thay đổi này mở ra cơ hội, sân chơi lớn cho các nhà đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh các dự án hạ tầng giao thông đang có phần đình trệ như hiện tại.

Không thay đổi tiêu chí lựa chọn

Dự kiến, tháng 10/2019 tới đây, Bộ GTVT sẽ bắt đầu sơ tuyển lại các nhà thầu tham gia 8 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông.

Đáng nói, lần sơ tuyển này sẽ chỉ đấu thầu rộng rãi trong nước, thay vì đấu thầu quốc tế như trước đây. Thay đổi này mở ra cơ hội, sân chơi lớn cho các nhà đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh các dự án hạ tầng giao thông đang có phần đình trệ như hiện tại.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP-Bộ GTVT) cho hay, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian các công đoạn để kịp tiến độ triển khai cao tốc Bắc Nam theo kế hoạch đã đề ra.

Đại dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông sẽ là "đất diễn" lớn cho các doanh nghiệp nội

Tuy nhiên, các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong nước vẫn sẽ không thay đổi mà phải làm theo đúng Luật Đấu thầu. Theo đó, nhà đầu tư trong nước phải đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ (như vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét...).

“Những nhà đầu tư nào đủ tiêu chí đều được tham gia vòng sơ tuyển dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông”- ông Huy cho biết.

Với quy định “nhà đầu tư phải thực hiện dự án trước đó có tổng mức đầu tư đạt 50% tổng mức đầu tư của các dự án đang xét”, theo ông Huy, nếu không đáp ứng, nhà đầu tư có thể liên danh.

Đánh giá sơ bộ về năng lực của nhà đầu tư trong nước, ông Huy cho biết, tại vòng sơ tuyển đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc Nam đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện vào vòng đấu thầu.

Lo ngại ngân hàng "đóng cửa" với BOT

Về vấn đề trên, ông Đặng Đại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư đánh giá, hiện nay, năng lực và kỹ thuật thi công của các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được yêu cầu của dự án.

“Các nhà đầu tư trong nước chỉ cần quan tâm đến nguồn vốn ngân sách của 8 đoạn tuyến phía Đông, Nhà nước cam kết đảm bảo 30% trong tổng vốn đầu tư. Như vậy, 8 đoạn tuyến này chủ đầu tư đảm bảo 20% còn lại là nguồn vốn vay tín dụng. Với 20% này thì các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đáp ứng được. Còn về kỹ thuật, các nhà đầu tư trong nước đã thực hiện nhiều tuyến cao tốc và cầu lớn, hầm đường về mặt kỹ thuật hoàn toàn đáp ứng yêu cầu” - ông Đại nói.

Tuy vậy, cũng có nhà đầu tư tỏ ra không quá hào hứng với việc dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông sẽ chỉ dành đất diễn cho các nhà đầu tư nội.

Ông Vũ Đức Nhận - Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành (đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), cho rằng, thời gian qua, nhiều dự án BOT gặp thua lỗ, "vỡ" phương án tài chính khiến nhiều nhà đầu tư nao núng cũng như các ngân hàng có thể không muốn tiếp tục cho vay. Nhiều ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn và phải thế chấp đến 50-60% tổng vốn đầu tư.

Chưa kể theo quy định, nhà đầu  tư còn phải tự chủ được 20% tổng vốn đầu tư dự án. Điều này vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp.

Đặt vấn đề liên danh liên kết, ông Nhận cho rằng, liên danh liên kết có thể đáp ứng về các tiêu chí của Bộ GTVT đưa ra, nhưng quan trọng nguồn vốn rót vào dự án vẫn phải vay ngân hàng. “Ngân hàng rất thận trọng trong việc rót vốn vào dự án hạ tầng BOT, nên việc họ có tiếp tục hay không thì các nhà đầu tư BOT còn chưa chắc chắn”- ông Nhận phân trần.

Ngoài ra, ông Nhận đánh giá, cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông không phải là địa chỉ duy nhất hấp dẫn đầu tư khi sắp tới sẽ có 3 tuyến đường Bắc - Nam là quốc lộ 1, đường ven biển và đường Hồ Chí Minh, trong đó, có nhiều tuyến miễn phí nên cao tốc Bắc - Nam có thể vắng xe sau khi đầu tư. Trong khi đó, Bộ GTVT lại tính toán phương án tài chính để hoàn vốn cho nhà đầu tư ở mức kỳ vọng cao.

8 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam nhánh Đông gồm:

Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 đi qua tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, thực hiện theo hình thức PPP, dài 63km, tổng mức đầu tư là 12.918 tỷ đồng, trong vốn tư nhân 9.749 tỷ đồng, vốn đầu tư Nhà nước là 3.169 tỷ đồng.

Dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dài 43km, thực hiện theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư 6.333 tỷ đồng, trong đó vốn tư nhân là 4.300 tỷ đồng, vốn Nhà nước là 2.000 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu qua tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, đầu tư theo hình thức PPP, dài gần 50km, tổng mức đầu tư khoảng 8.380 tỷ đồng, gồm 2.550 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, còn lại là vốn huy động của nhà đầu tư.

Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, dài khoảng 49,3km đi qua địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tổng mức đầu tư khoảng 13.338 tỷ đồng, theo hình thức PPP, gồm 8.077 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, còn lại là vốn huy động của nhà đầu tư.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, dài 29 km, tổng mức đầu tư là 4.059 tỷ đồng, theo hình thức PPP, trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 3.219 tỷ đồng, vốn đầu tư BOT là 774,5 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 104km, đi qua tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư là 18.464 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ tư nhân khoảng hơn 8.000 tỷ đồng, phần còn lại Nhà nước hỗ trợ.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100km đi qua 4 huyện của tỉnh Bình Thuận, tổng mức đầu tư 12.843 tỷ  đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách là 2.914 tỷ đồng; vốn của nhà đầu tư BOT là 9.924,6 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thực hiện theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 14.359 tỷ đồng, gồm 11.879 tỷ đồng vốn BOT và hơn 2.479 tỷ đồng vốn Nhà nước.