Áo đã may xong, còn thiếu khuy
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, TP hiện có 6 dự án nhà ở sinh viên đang triển khai, trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng khu ký túc xá tập trung (Mỹ Đình 2 và Pháp Vân - Tứ Hiệp) do TP đầu tư. 4 dự án khác nằm trong khuôn viên các trường được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn ngân sách TP.
Tất cả các dự án này đều chậm so với tiến độ dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, việc xây dựng tại các dự án đã cơ bản hoàn thành, đang bước vào khâu hoàn thiện. Tuy nhiên, khó khăn chung của các dự án nhà ở cho sinh viên đều nằm ở nguồn vốn. Nếu không bố trí kịp, các dự án này có thể không kịp đưa vào sử dụng trong năm học tới.
Cụ thể, dự án Mỹ Đình 2 đang thiếu khoảng 78,6 tỷ đồng giá trị khối lượng xây dựng đã được phê duyệt không nằm trong nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. 31,6 tỷ đồng vốn thiết bị đồ rời (bàn ghế, giường, tủ) đang được bổ sung theo phương thức xã hội hóa. Còn dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp cần tới 696 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP để hoàn thiện 4 khối nhà (A1, A2, A5, A6). Riêng nhà A3 thuộc dự án mới hoàn thiện phần thô nhưng đang phải tạm dừng do thiếu vốn.
Đáng chú ý, theo Sở Xây dựng, tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thí điểm phục vụ công nhân tại ô đất NO-02, NO-03 (xã Kim Chung, Đông Anh) do Tổng Công ty CP Vinaconex làm chủ đầu tư, có tình trạng nhà ở bỏ trống do công nhân bỏ không thuê. Tại 6 đơn nguyên, có tới 2.700 chỗ trống không có công nhân thuê ở, gây lãng phí, xuống cấp.
Không để chủ đầu tư “câu giờ”
Với dự án xây dựng khu ký túc xá sinh viên tập trung đã gần hoàn thành mà còn thiếu vốn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, “Áo đã may xong, còn đơm cúc, may túi mà không làm thì không thể được. Dự án hàng nghìn tỷ đồng mà chỉ vì thiếu vài chục tỷ mà không đưa vào hoạt động, phục vụ sinh viên thì quá lãng phí”. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở KH-ĐT chú ý bố trí nguồn vốn cho các hạng mục nhà đã cơ bản hoàn thành trong tháng 8-2014, đưa sinh viên vào ở phục vụ năm học mới. Sở Xây dựng cùng Sở Tài chính cũng phải khẩn trương để xây dựng giá cho thuê nhà sinh viên.
Trước tình trạng nhà công nhân chưa có người thuê, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo rà soát ngay tiến độ của các dự án. Các ngành phải làm việc cụ thể với các khu công nghiệp để rà soát nhu cầu thực tế, tránh tình trạng xây nhà không có người ở sẽ rất lãng phí. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý việc triển khai các hạng mục hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của công nhân tại các khu ở. Phân tích rõ hơn khó khăn của dự án tại Kim Chung, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ ra, để xảy ra tình trạng công nhân không vào ở là do hạ tầng còn thiếu, bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành có vấn đề. “Những vấn đề này cần được rà soát để bổ sung và có những phương án xử lý dứt điểm” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Đối với các dự án xây dựng nhà thu nhập thấp, UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký tiến độ và tiến hành kiểm tra việc thực hiện cam kết, không để chủ đầu tư “câu giờ”. Hiện nay, có tình trạng một số dự án đã có mặt bằng sạch nhưng tiến độ vẫn chậm như dự án tại khu đô thị mới Thanh Lâm, Đại Thịnh; dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp tại ô đất N07-1 và N07-2 thuộc khu đô thị mới Sài Đồng; dự án xây dựng nhà thu nhập thấp tại khu đô thị mới Trung Văn mở rộng...