Nhà sinh vật học chuyên săn tìm virus truyền nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi virus Corona mới xuất hiện vào cuối năm 2019, nhà sinh vật học người Australia Edward Holmes (57 tuổi) ngay lập tức nghĩ đến những động vật hoang dã mà ông đã thấy ở chợ Vũ Hán 5 năm trước. Và nhà khoa học chuyên đi săn virus này đứng giữa vòng xoáy cuộc tranh luận về nguồn gốc của đại dịch.

Trong hơn 3 thập kỷ làm việc tại Edinburgh, Oxford, Pennsylvania và cuối cùng là Sydney, Tiến sĩ Edward Holmes đã xuất bản hơn 600 bài báo về sự tiến hóa của virus bao gồm H.I.V, cúm và Ebola. Khi được mời đến Đại học Sydney vào năm 2012, ông đã nắm bắt cơ hội tiến gần hơn đến châu Á, nơi ông lo sợ rằng việc buôn bán động vật hoang dã có thể gây ra một đại dịch mới.

“Ông ấy đi vào nơi nước sôi lửa bỏng” - Andrew Read, một nhà sinh vật học tại Đại học Penn State và từng làm việc với Tiến sĩ Holmes vào thời điểm đó, cho biết. Khi đang chuẩn bị cho chuyến đi, Tiến sĩ Holmes bất ngờ nhận được email từ nhà virus học người Trung Quốc tên là Yong-Zhen Zhang. Nhà virus học hỏi ông có muốn cùng nghiên cứu virus ở Trung Quốc hay không. Sự hợp tác của họ nhanh chóng mở rộng thành một cuộc tìm kiếm sâu rộng các loại virus mới ở hàng trăm loài động vật.

Tiến sĩ Edward Holmes - một trong những người đầu tiên chia sẻ bộ gene của virus Corona mới với thế giới

Tiến sĩ Edward Holmes - một trong những người đầu tiên chia sẻ bộ gene của virus Corona mới với thế giới

Săn lùng virus

Tháng 10-2014, Tiến sĩ Holmes đã đến Trung Quốc để khảo sát hàng trăm loài động vật, tìm kiếm những loại virus mới. Trong một chuyến thăm Vũ Hán, các nhà khoa học từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của thành phố 11 triệu dân này đã đưa ông đến chợ bán buôn hải sản Huanan.

Trong gian hàng có không gian kém thông thoáng, ông nhìn thấy những động vật hoang dã còn sống gồm rắn, lửng, chuột xạ hương, chim… Chúng được bán để làm thực phẩm. Là một trong những chuyên gia về tiến hóa của virus, Tiến sĩ Holmes hiểu rõ về cách virus có thể “nhảy” từ loài này sang loài khác, đôi khi chúng gây ra những hậu quả chết người. Đợt bùng phát dịch SARS năm 2002 do một loại virus Corona ở Trung Quốc gây ra đã lây nhiễm sang một số loại động vật có vú hoang dã trước khi lây sang người.

Trong đợt nghiên cứu này, nhà virus học Australia cùng đồng nghiệp đã tìm thấy hơn 2.000 loài virus mới với nhiều điều bất ngờ. Đơn cử, các nhà khoa học từng nghĩ rằng virus cúm lây nhiễm chủ yếu từ các loài chim, sau đó có thể truyền sang động vật có vú như con người. Nhưng Tiến sĩ Holmes và Tiến sĩ Zhang phát hiện ra rằng, cá và ếch cũng có thể bị cúm. Andrew Rambaut, một nhà sinh vật học tại Đại học Edinburgh cho biết: “Điều đó thật là mở mang tầm mắt. Sự đa dạng của các loại virus là rất lớn”.

Thời gian đó, Tiến sĩ Zhang và Tiến sĩ Holmes cũng làm việc với các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, phân tích virus trong các mẫu dịch của những người bị viêm phổi. Vì sự hợp tác này, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư khách mời của CDC Trung Quốc từ năm 2014 đến năm 2020. Những bức ảnh về khu chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán mờ dần trong tâm trí nhà khoa học Australia cho đến ngày cuối cùng của năm 2019. Khi Tiến sĩ Holmes đang vào mạng Twitter từ nhà của mình ở Sydney, ông biết tin về một đợt bùng phát dịch bệnh đáng báo động ở Vũ Hán. Đó là một dạng bệnh viêm phổi giống SARS với các ca bệnh đầu liên quan đến chợ Huanan. “Một đại dịch đang chờ để xảy ra” - ông lo lắng nghĩ.

Bộ giải trình tự gene đầu tiên của virus SARS-CoV-2

Khi Tiến sĩ Zhang nhận được thông tin về đợt dịch viêm phổi mới ở Vũ Hán, ông đã đề nghị các đồng nghiệp tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán chuyển mẫu dịch phổi từ một bệnh nhân cho ông. Dịch mẫu được chuyển đến vào ngày 3-1, và ông sử dụng các kỹ thuật giải trình tự gene đã hoàn thiện cùng với Tiến sĩ Holmes. Hai ngày sau, nhóm của Tiến sĩ Zhang đã tập hợp được bộ gene của một loại virus Corona mới, gọi là SARS-CoV-2.

Các nhóm khoa học khác ở Trung Quốc cũng đã xác định được trình tự gene của virus. Nhưng không ai dám công khai vì thông tin lúc đó gần như bị phong tỏa. Tiến sĩ Zhang và Tiến sĩ Holmes bắt đầu viết một bài báo về bộ gene, sau này xuất hiện trên Tạp chí Nature. Tiến sĩ Zhang đã tải bộ gene của virus lên cơ sở dữ liệu công khai của Viện Y tế quốc gia Mỹ. Nhưng cơ sở dữ liệu yêu cầu phải có thời gian khi xem xét các bộ gene mới, và cứ thế nhiều ngày trôi qua mà thông tin không được đưa lên mạng. Tiến sĩ Holmes kêu gọi cộng tác viên của mình tìm cách khác để chia sẻ bộ gene với thế giới. Vào ngày 10-1, họ đồng ý chia sẻ nó trên một diễn đàn dành cho các nhà virus học.

Ông Jason McLellan - một nhà sinh học cấu trúc tại Đại học Texas ở Austin, người đã nghiên cứu về công nghệ mRNA làm tiền đề cho vaccine Moderna, đánh giá việc công bố trình tự gene virus mới là một bước ngoặt. Chỉ với chuỗi gene đó, các nhà nghiên cứu mới có thể bắt đầu làm các thử nghiệm, thuốc và vaccine. Tiến sĩ McLellan cho biết, cho đến lúc đó, các nhà khoa học giống như những vận động viên chỉ chờ tiếng súng báo hiệu là xuất phát. “Cuộc chạy đua bắt đầu ngay khi Tiến sĩ Holmes và Tiến sĩ Zhang đăng trình tự bộ gene. Ngay lập tức, Twitter sôi sục, các email được trao đổi liên tục”.

Nhưng theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Tiến sĩ Zhang đã phải trả giá vì bất chấp lệnh phong tỏa thông tin. Một ngày sau khi trình tự bộ gene được công bố công khai, phòng thí nghiệm của ông tại Trung tâm Y tế lâm sàng công cộng Thượng Hải được cho là đã phải “đóng cửa để sửa chữa”. Tuy nhiên, Tiến sĩ Holmes từ chối bình luận về tình hình hiện tại của Tiến sĩ Zhang.

Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán tháng 3-2020

Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán tháng 3-2020

Giữa vòng xoáy tranh cãi về nguồn gốc đại dịch

Nhà virus học Edward Holmes và đồng nghiệp người Trung Quốc là những người đầu tiên chia sẻ bộ gene của virus Corona mới với thế giới. Nhưng cũng kể từ ngày đó, Tiến sĩ Holmes bị cuốn vào vòng xoáy của những tranh cãi liên quan đến nguồn gốc của virus.

Trong cuộc tranh luận mang tính địa chính trị về việc, liệu virus có thể đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, Tiến sĩ Holmes đã trở thành một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất giả thuyết đối lập, rằng virus lây lan từ động vật hoang dã. Cùng với các đồng nghiệp ở Mỹ, nhà khoa học này gần đây đã công bố manh mối mới về những con chó gấu trúc được nuôi trong lồng sắt mà ông đã chụp vào năm 2014 có thể đã gây ra đại dịch.

Sau khi bộ gene virus Corona mới được giải mã trình tự, Tiến sĩ Holmes đã rất bối rối khi nhìn thấy một số mảnh vật chất di truyền trông giống như thể chúng đã được đưa vào đó thông qua kỹ thuật di truyền.

Vào ngày 1-2-2020, tại một cuộc họp trực tuyến, Tiến sĩ Holmes đã chia sẻ những lo lắng của mình với các chuyên gia virus khác như Tiến sĩ Francis Collins - Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ và Tiến sĩ Anthony S. Fauci - chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ. Ngay sau đó, Tiến sĩ Holmes đã giúp các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông phân tích một loại virus Corona được tìm thấy trong tê tê, có liên quan mật thiết với SARS-CoV-2. Loại virus này trông đặc biệt giống với protein bề mặt của nó, loại protein sử dụng để xâm nhập vào các tế bào. Việc tìm thấy một dấu hiệu sinh học khác biệt như vậy ở virus từ động vật hoang dã đã củng cố niềm tin của Tiến sĩ Holmes rằng SARS-CoV-2 không phải là sản phẩm của kỹ thuật di truyền.

Nghiên cứu về đại dịch Covid-19 của Tiến sĩ Holmes đã được quốc tế ca ngợi, bao gồm cả giải thưởng khoa học hàng đầu Australia. Nhưng cũng có người chỉ trích nghiên cứu của ông bị Trung Quốc giám sát, cùng với đó là hàng loạt các cuộc tấn công trên mạng xã hội và thậm chí là những lời dọa giết. Vào tháng 1-2020, khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc đến chợ hải sản Vũ Hán để điều tra, tất cả các động vật hoang dã đã biến mất.

Nhưng Tiến sĩ Holmes lập luận rằng, bất kỳ loài vật nào trong số đó cũng có thể là chủ thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2. Ông cho rằng, cách đơn giản nhất để giảm nguy cơ xảy ra các đại dịch trong tương lai là thực hiện các nghiên cứu tại nơi giao thoa giữa con người và động vật hoang dã. Kinh nghiệm của chính ông cho thấy, việc cố gắng liệt kê mọi mối đe dọa tiềm ẩn trong động vật hoang dã là không thể. “Bạn không bao giờ có thể lấy mẫu tất cả các loại virus sống ở môi trường hoang dã và sau đó tìm ra loại virus nào có thể lây nhiễm sang con người. Tôi nghĩ rằng điều đó bất khả thi” - Tiến sĩ Holmes nói.

“Cách đơn giản nhất để giảm nguy cơ xảy ra các đại dịch trong tương lai là thực hiện các nghiên cứu tại nơi giao thoa giữa con người và động vật hoang dã. Kinh nghiệm của chính tôi cho thấy, việc cố gắng liệt kê mọi mối đe dọa tiềm ẩn trong động vật hoang dã là không thể”.

Tiến sĩ Edward Holmes