Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev được các sĩ quan KGB giỏi nhất bảo vệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dưới thời ông Nikita Khrushchev - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Cục 9 của KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia) được giao bảo vệ các lãnh đạo cao cấp. Đội cận vệ nhiều lần đã đưa Bí thư N.Khrushchev thoát khỏi những tình huống nguy hiểm.
Nhà lãnh đạo Liên Xô N.Khrushchev tiếp xúc với người dân

Nhà lãnh đạo Liên Xô N.Khrushchev tiếp xúc với người dân

Đội quân tinh nhuệ và chuyên nghiệp

Ông N.Khrushchev thường có các chuyến công tác nước ngoài. Trước những chuyến thăm đó, các nhân viên an ninh được cử đi tiền trạm để nghiên cứu tình hình chính trị và tội phạm tại địa bàn, xây dựng phương án bảo vệ cùng kế hoạch sơ tán trong trường hợp khẩn cấp...

Vài ngày trước khi nhà lãnh đạo Liên Xô bắt đầu chuyến thăm, lái xe và ô tô được đưa đến nước đó. Lái xe phải đi thử các tuyến đường dự kiến chở ông N.Khrushche đi qua, tìm hiểu đặc điểm giao thông và nghiên cứu kỹ địa hình. Tuy nhiên, mọi thông tin về chuyến công tác sắp tới của ông N.Khrushchev đều được giữ bí mật, dù không tránh được tình huống bất ngờ phát sinh. Như vào năm 1963, khi ông N.Khrushchev đến nhà ga để lên tàu tới thành phố Tbilisi gặp lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm Liên Xô, đám đông người dân đã tụ tập gần đoàn tàu dù chuyến đi của ông N.Khrushchev được giữ bí mật. Tuy nhiên, ngay trước đó, nhân viên nhà ga đã thông báo về sự hiện diện của ông để yêu cầu người dân giữ trật tự.

Còn trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 11-1955, khi thấy người dân thành phố Calcutta tập trung chào đón mình tại quảng trường, ông N.Khrushchev yêu cầu dừng xe và cùng Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Nikolai Bulganin đến gần mọi người. Nhân dân Ấn Độ phá vỡ vòng vây cảnh sát, chạy tới vây quanh họ. Hiện tượng chen lấn, xô đẩy đã xảy ra. Các cận vệ phải bế cả 2 lãnh đạo, nâng họ lên trên đầu và khiêng trở lại xe…

Bắt đầu từ năm 1956, đội bay đặc biệt phục vụ nhà lãnh đạo Liên Xô đặt căn cứ tại sân bay Vnukovo với 2 phi đội Il-14 do những phi công giỏi nhất khi đó cầm lái. Còn khi đi biển, các thợ lặn chiến đấu cũng tham gia bảo vệ ông, trong đó có chuyến thăm Anh bằng tàu tuần dương Ordzhonikidze cùng với 2 chiếc tàu khu trục vào tháng 4-1956.

Xử lý nhanh gọn các sự cố

Lần đó, thấy một bóng người dưới mặt nước ngay gần tàu Ordzhonikidze neo đậu ở cảng Portsmouth của Anh, thợ lặn Eduard Koltsov liền được cử đi trinh sát và đã phát hiện Lionel Crabbe, người nhái và cũng là nhân viên bán thời gian Cơ quan tình báo Mi-6 của Anh. Cho rằng Crabbe có thể gắn mìn vào gần căn hầm chứa pháo của tàu tuần dương Liên Xô, Koltsov ra lệnh cho chân vịt của tàu quay. Kết quả là Crabbe đã tử vong. Sau đó, Koltsov được tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ.

Lần khác, Bí thư N.Khrushchev rất ấn tượng với hành động của người cận vệ Mikhail Soldatov trong chuyến thăm Áo của ông vào năm 1961. Khi đó, Soldatov đã lấy thân mình đè lên một vật thể hình trụ trông giống quả bom được ném tới gần nhà lãnh đạo ở nhà ga xe lửa Vienna. Rất may, bên trong vật thể đó chỉ có bức thư của một người Romania di cư muốn nhờ ông N.Khrushchev giúp ông ta trở về quê hương…

Trong chuyến thăm Tbilisi của Gruzia, chiếc xe chở ông N.Khrushchev bị dân địa phương ném đá vì phẫn nộ trước việc những bức tượng Stalin bị phá dỡ. Các cận vệ phải nỗ lực hết sức để bảo vệ ông. Tình huống tương tự cũng lặp lại ở các thành phố Novosibirsk, Karaganda, Gorky… nơi ông N.Khrushchev đến thăm. Tuy nhiên, ông chấp nhận rủi ro và vẫn đi trên ô tô mui trần.

Một nhiệm vụ khác cũng khó khăn đối với các cận vệ là phải theo dõi lượng rượu mà ông N.Khrushchev uống trong các bữa tiệc chiêu đãi. Nếu sự kiện diễn ra ở Liên Xô, những chiếc ly đặc biệt có thành dày và loại rượu có nồng độ thấp hơn được mang đến cho ông. Trong những chuyến thăm nước ngoài, theo thỏa thuận ngầm từ trước, các cận vệ thường rót trà mà các nguyên thủ quốc gia vẫn gọi đùa là “trà cognac” vào ly của ông…

Ông N.Khrushchev vẫn tiếp tục được nhân viên Cục 9 của KGB đảm bảo an ninh sau khi đã bị buộc phải từ chức vào tháng 10-1964.