Nhà giá 1 euro giúp hồi sinh những "thị trấn ma"

ANTD.VN - Một ngôi nhà không có người ở tại Sardinia, hòn đảo lớn thứ hai Địa Trung Hải và là một vùng tự trị của Italia đang được chào bán với giá 1 euro. Đó là giải pháp khá hữu hiệu cho nhà bỏ hoang ở Italia. 

Nhà giá 1 euro giúp hồi sinh những "thị trấn ma" ảnh 1Italia “cứu” những ngôi làng đang “chết mòn” bằng việc bán nhà hoang giá siêu rẻ

Đầu tư để kinh doanh du lịch

Xu hướng này xuất hiện cách đây 1 thập kỷ khi Thị trưởng Salemi, Sicily bán các ngôi nhà bị phá hủy sau trận động đất với giá 1 euro. Tới giờ, Salemi trở thành điểm thu hút khách du lịch theo hình thức chia sẻ phòng AirBnB, với hầu hết các nhà đã được tân trang lại để cho thuê trong những tháng mùa hè. Kể từ đó, một số ngôi làng “đang hấp hối” đã học theo trào lưu này để những người không đủ tiền mua một biệt thự ven biển ở Amalfi hay Portofino thì cũng đủ sức đầu tư một ngôi nhà nhìn ra biển. Thậm chí năm ngoái, Chính phủ Italia cũng quyết định không giữ những lâu đài cổ mà họ không đủ kinh phí duy trì. Gần đây nhất, thị trấn San Gimignano gần Siena cũng cho thuê những ngôi tháp cổ cho bất cứ ai phát triển chúng thành những công trình du lịch.

Thực chất, đó là một hình thức đầu tư bất động sản mức độ vừa phải nhưng có hiệu quả. Ví như, nhà ở Sardinia, chủ đầu tư cần bỏ ra tối thiểu 28.000 USD, ưu tiên gói thầu trong 40 năm, trong khi chủ sở hữu biệt thự ở Salemi phải đầu tư 100.000 USD vào các công trình đó, trong đó có phần gia cố chống động đất.

Hình thức rao bán nhà 1 euro này hoạt động khá sôi nổi, một số công ty như Casa A 1 euro (Nhà cho 1 euro) có danh sách nhà trên khắp Italia. Tuy vậy, vẫn có hàng nghìn ngôi nhà bỏ hoang ở Italia không đủ tiêu chuẩn để bán với giá rẻ, đôi khi vì những người chủ đã chết mà không có người thừa kế, nhà của những kẻ tham gia băng nhóm tội phạm có tổ chức bị tịch thu hoặc đơn giản chủ nhà đã chuyển đi nơi khác.

Nhà bỏ hoang cho dân tị nạn

Những ngôi làng có nhiều nhà bỏ hoang hiện nay cũng là nơi dành cho người tị nạn và người nhập cư vào Italia. Câu chuyện thành công đầu tiên về đón nhận người tị nạn phải kể đến Riace, thị trấn ven biển miền Nam nước Ý, nơi dân số đã giảm xuống còn dưới 100 người. Trường học ở đây đã đóng cửa, hầu hết các doanh nghiệp cũng ngừng kinh doanh. Thị trưởng Domenico Lucano đã phải thuyết phục được các cư dân còn trụ lại và được chính phủ trợ cấp để cung cấp nhà ở cho người tị nạn. Ông cũng giành được một khoản tài trợ để dạy nghề cho người tị nạn như nghề làm gốm sứ, may đo và làm bánh. Hiện giờ thị trấn có hơn 450 cư dân tị nạn mới từ 20 quốc gia khác nhau làm việc ở các cửa hàng hoặc tự kinh doanh. 

Thị trấn bừng lên sức sống mới vì mọi người đều có việc làm. Trường học đã mở cửa trở lại và trẻ em lại đi xe đạp trên phố. Tạp chí Fortune thậm chí còn bình chọn ông Domenico Lucano là một trong 50 nhà lãnh đạo tốt nhất thế giới năm 2017. “Chủ nghĩa đa văn hóa, sự đa dạng về kỹ năng và những câu chuyện cá nhân mà người ta mang đến cho Riace đã cách mạng hóa “thị trấn ma” của chúng tôi”, ông Lucano nói với BBC.

Tương tự, một số thị trấn khác như Sant Alessio Aspromonte ở Calabria, nơi từng rất vắng vẻ do dân số già hoặc chuyển đi nơi khác, cũng đang tiếp nhận 35 người di cư bằng việc cho họ học tiếng, học nấu ăn và cung cấp cơ hội việc làm trước khi đón nhận giai đoạn chuyển tiếp cho một cộng đồng đa văn hóa.

Nhưng không phải tất cả các thị trấn của Italia đều đồng ý rằng người tị nạn là giải pháp cho quá trình hồi sinh. Thị trấn Vaccarozzi di Erbezzo ở phía Bắc Italia phản đối kế hoạch tiếp nhận 80 người tị nạn và di cư theo như kế hoạch phân bổ của Bộ trưởng Nội vụ vào cuối năm ngoái. Sự phản kháng của họ mạnh tới mức những người tị nạn phải ở trong khu doanh trại quân đội đóng tại thị trấn trước đây, trở thành cộng đồng khép kín và không có sự giao lưu. Ở đó, có những ngôi nhà cần được sửa chữa, nâng cấp nhưng đơn giản chúng vẫn bị bỏ hoang.