Nhà cựu ngoại giao đứng sau vụ phóng thích nhà báo Mỹ ở Myanmar

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
ANTD.VN - Nhà báo Mỹ Danny Fenster ngày 15-11 đã được trả tự do sau khi bị Myanmar kết án 11 năm tù. Sự kiện này có sự can thiệp của cựu Thống đốc bang New Mexico Bill Richardson, người đã trực tiếp tiếp nhận và đưa Danny Fenster về nước.
Nhà báo Mỹ Danny Fenster (trái) được nhà cựu ngoại giao Bill Richardson trực tiếp đón về nước

Nhà báo Mỹ Danny Fenster (trái) được nhà cựu ngoại giao Bill Richardson trực tiếp đón về nước

Bill Richardson là ai?

Ngày 15-11, ông Bill Richardson đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 74 của mình cùng bức ảnh đăng trên mạng xã hội Twitter cho thấy ông choàng tay qua nhà báo 37 tuổi Danny Fenster phía trước một chiếc máy bay đưa họ rời khỏi Myanmar. Trước đó cùng ngày, Danny Fenster đã được Myanmar bàn giao cho cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Bill Richardson và cùng trở về Mỹ trong chuyến bay quá cảnh Qatar.

Danny Fenster là biên tập viên điều hành của tạp chí tiếng Anh trực tuyến Frontier Myanmar. Hôm 13-11, người đàn ông 37 tuổi này đã bị tòa án Myanmar kết án 11 năm tù về tội kích động, vi phạm luật nhập cư và hội họp bất hợp pháp. Nhà báo Mỹ bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Yangon vào tháng 5 trên đường về nước thăm gia đình.

Việc Danny Fenster được phóng thích đã đem lại niềm vui vô bờ bến cho gia đình anh ở Detroit và được Ngoại trưởng Antony Blinken hoan nghênh. Trước đó trong tháng 11 này, ông Richardson đã gặp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và đây là một trong những người nước ngoài duy nhất có được cuộc gặp riêng với chỉ huy cao nhất của quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2-2021.

Ông Bill Richardson từng là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và Bộ trưởng Năng lượng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, trước khi được bầu làm Thống đốc bang New Mexico vào năm 2002. Ông đã thất bại khi tranh cử Tổng thống với tư cách ứng viên Đảng Dân chủ vào năm 2008. Từ một nhà ngoại giao, Richardson chuyển sang thành nhà thương thuyết tự do.

Richardson và các nhân viên của mình tại Trung tâm Richardson về Tương tác Toàn cầu hiện thường xuyên đi công tác riêng mà không cần sự chuẩn y của chính phủ Mỹ theo yêu cầu của gia đình những người bị bắt cóc, giam giữ hoặc giết hại ở các quốc gia có quan hệ “khó chịu” với Washington như Triều Tiên, Iran, Iraq, Myanmar…

“Bí kíp” của nhà thương thuyết

Ông Richardson bắt đầu các cuộc đàm phán về con tin vào năm 1994. Khi đó, là thành viên của Hạ viện Mỹ, ông đã đến Triều Tiên để thảo luận về một hiệp định hạt nhân mà Tổng thống Bill Clinton đã ký. Thời điểm nhà ngoại giao này đang ở Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã bắn rơi một máy bay trực thăng quân sự Mỹ xâm phạm lãnh thổ của họ, khiến một phi công thiệt mạng, một người bị bắt sống. Nhà nghị sĩ Mỹ đã ở lại vài tuần để đàm phán.

Ngay sau đó, Richardson đã gặp Tổng thống Iraq Saddam Hussein để thuyết phục thả hai người Mỹ bị giam giữ sau khi đi lạc qua biên giới từ Kuwait. “Với tôi, nguyên tắc đàm phán đầu tiên là bạn phải tạo ra mối liên hệ cá nhân với đối tác của mình. Bạn phải tôn trọng họ, phải biết điều gì… khiến họ mềm lòng”, Richardson nói trên tạp chí Foreign Policy vào năm 2018. “Bạn phải nể mặt bên kia, tìm cách nào đó để họ nhận ra rằng họ sẽ nhận được điều gì đó từ cuộc thương lượng, như được khen ngợi vì một cử chỉ nhân đạo chẳng hạn”. Thực tế, Kênh truyền hình do quân đội Myanmar điều hành ngày 15-11 cho biết, Fenster đã được ân xá vì “lý do nhân đạo và để duy trì tình hữu nghị giữa các quốc gia” theo đề nghị của nhà ngoại giao có quan hệ lâu năm với Myanmar, Bill Richardson.

Năm 2014, ông trở lại Triều Tiên cùng với Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt để yêu cầu nước này trả tự do cho nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn Kenneth Bae. Ông cũng phối hợp để trả tự do cho sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người được đưa về nước vào năm 2017 trong tình trạng sức khỏe nghiêm trọng và qua đời ngay sau đó.

Về phần Myanmar, từ giữa những năm 1990, ông đã đề nghị các tướng lĩnh thả nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và quản thúc tại gia. Tuy nhiên sau đó, ông đã xung đột với người đoạt giải Nobel Hòa bình Suu Kyi liên quan đến vụ bắt giữ hai nhà báo Reuters khi đưa tin về các vụ giết hại người Hồi giáo Rohingya vào năm 2017. Thực tế, Richardson đã không thành công trong việc giải thoát 2 phóng viên này.

Với tôi, nguyên tắc đàm phán đầu tiên là phải tạo ra mối liên hệ cá nhân với đối tác của mình. Bạn phải tôn trọng họ, phải biết điều gì… khiến họ mềm lòng. Bạn phải giữ thể diện cho bên kia, tìm cách nào đó để họ nhận ra rằng họ sẽ nhận được lợi ích gì đó từ cuộc thương lượng, như được khen ngợi vì một cử chỉ nhân đạo chẳng hạn”.

Ông Bill Richardson (cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, cựu Thống đốc bang New Mexico)