Lý Quang Diệu - nhà lãnh đạo đầy tình người:

Nguyên tắc vĩnh viễn và sự thấu hiểu nhân tình

ANTĐ - Ở Lý Quang Diệu hội tụ rất nhiều tố chất của một nhà lãnh đạo phi thường. Luôn trau dồi học vấn, tính bền bỉ và kỷ luật cao, cứng rắn trong công việc nhưng tình cảm trong đời sống là những bài học rút ra từ cuộc đời vị Thủ tướng huyền thoại của Singapore.

Nguyên tắc vĩnh viễn và sự thấu hiểu nhân tình ảnh 1Thủ tướng Singapore thăm cộng đồng người dân ở “vành đai nông nghiệp” Yio Chu Kang trên đảo năm 1963

Ngài Thủ tướng vì dân

Ông Lý Quang Diệu được đánh giá là hình mẫu của vị Thủ tướng phục vụ nhân dân. Đó là nhà lãnh đạo đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên lợi ích của bản thân. Ông luôn thể hiện sự quan tâm đến đời sống của người dân, các tiêu chuẩn kinh tế, xã hội và giáo dục của đất nước. Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói: “Một nhà lãnh đạo thành công là người có thể kết nối được với người dân và thấu hiểu được nguyện vọng của họ. Đó phải là người đáng tin cậy và thể hiện được khả năng đánh giá đúng đắn”.

Còn nhớ, khi ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền vào năm 1959, đất nước Singapore phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn. Đó là tỉ lệ thất nghiệp cao, người dân thiếu nhà ở trầm trọng, nạn tham nhũng hoành hành. Ông Lý Quang Diệu và các quan chức Chính phủ cùng lúc thực hiện chương trình công nghiệp hóa, xây nhà giá rẻ và chống tham nhũng. Đến thập niên 1980, GNP bình quân đầu người Singapore tăng hơn 10 lần lên 6.634 USD, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống cực thấp và tỉ lệ người dân có nhà ở tăng lên tới 81%.

Ông James Seah Kok Thim, nạn nhân của trận hỏa hoạn kinh hoàng năm 1961 kể: “Cha mẹ tôi, hai chị gái và tôi sống trong ngõ Beo ở khu Bukit Ho Swee Kampung. Năm ấy tôi 13 tuổi. Đúng ngày 25-5-1961, một ngày nghỉ lễ, lửa bùng lên trong khi mẹ tôi và tôi đến nhà dì chơi. Chúng tôi kịp chạy về nhà lấy vội được chút quần áo với giấy khai sinh trước khi ngọn lửa thiêu rụi tất cả. Gia đình tôi là một trong số 16.000 người mất nhà cửa trong trận hỏa hoạn đêm đó. Thủ tướng Lý Quang Diệu hứa rằng trong 9 tháng tất cả chúng tôi sẽ có căn hộ mới để sinh sống”. Khi đó, Hội đồng nhà ở (HDB) mới tiếp quản được 3 tháng trong khi trong hơn 30 năm trở về trước, chính quyền cũ mới chỉ xây dựng được 23.000 căn hộ. Vì vậy, người dân băn khoăn không hiểu Chính phủ mới của Thủ tướng Lý có làm tốt hơn so với chính quyền Anh hay không.  “Khi chúng tôi được phân căn hộ ở Jalan Bukit Ho Swee trong chưa đầy 1 năm sau đó, gia đình tôi thực sự cảm kích. Người dân nói với nhau rằng, ít nhất Chính phủ đã giữ lời hứa”, ông James kể. 

Năm 1962, Thủ tướng Lý Quang Diệu đến thăm khu định cư mới xem các nạn nhân hỏa hoạn sống như thế nào. Một người hàng xóm biến căn hộ gần như thành một cửa hàng trong khu nhà mới để bán bánh, kẹo, nước đá. Thủ tướng Lý Quang Diệu hiểu điều đó là không đúng nhưng người dân cũng phải kiếm sống nên đã bỏ qua.Ông kiểm tra cả các nhà vệ sinh công cộng. “Trong thâm tâm chúng tôi là lòng biết ơn sâu nặng dù không nói ra. Chúng tôi nể trọng Thủ tướng vì ông đã làm được nhiều điều cho dân, lại không phải là người chỉ quan tâm đến danh tiếng cá nhân... Ông đã cho gia đình tôi một căn nhà, ông là ân nhân của chúng tôi”.

Giữ kỷ cương và biết làm gương

Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thường xuyên có những bài diễn văn trước công chúng đầy nhiệt huyết, lay động lòng người do chính tay ông viết. Còn với những việc ông làm thì sao? Lời nói đi đôi với việc làm, ông thậm chí được cho là đã áp dụng nhiều biện pháp tương đối cực đoan trong quá trình xây dựng, kiến thiết Singapore. “Tôi kiên định với suy nghĩ của mình. Tôi mạnh tay để mọi việc trở nên đúng đắn, đúng là khắc nghiệt nhưng rất nhiều giá trị đang bị đe dọa. Cuối cùng cái mà tôi đạt được là gì? Một Singapore thành công”, Lý Quang Diệu nói.  

Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Straits Times nhân dịp tròn 80 tuổi, ông Lý Quang Diệu khẳng định, ông đã cố gắng xây dựng một hệ thống nhất định các nguyên tắc lãnh đạo cơ bản có giá trị vĩnh viễn: Liêm khiết, có trách nhiệm ở những người thực thi quyền lực, không lạm dụng quyền lực vì lợi ích của bản thân hoặc gia đình và là lãnh đạo thì phải biết trọng dụng nhân tài. “Tôi tin rằng nếu người lãnh đạo mất đi sự liêm chính, không biết trọng dụng nhân tài và không có sự kiên định về mục đích, Singapore sẽ không phát triển mạnh”. 

Khi giải thích với người dân lý do các quan chức Chính phủ phải hưởng mức lương cao, ông Lý Quang Diệu nói một cách rất đơn giản: “Mức lương thấp chỉ thu hút những kẻ đạo đức giả, miệng hô to khẩu hiệu rằng muốn phục vụ nhân dân, nhưng khi lên nắm quyền thì lập tức thể hiện rõ bản chất và phá hoại đất nước”. Mục tiêu của ông là đảm bảo xây dựng một chính phủ trong sạch và trung thực, trong đó người lãnh đạo phải làm gương. Một đồng nghiệp cũ của ông, ông Abdullah Tarmugi, năm nay 70 tuổi kể lại, năm 2003, khi Hội chứng hô hấp cấp (SARS) bùng phát nghiêm trọng, bất kỳ nghị sỹ nào vào tòa nhà Quốc hội cũng phải kiểm tra thân nhiệt. Hôm đó, ông Lý Quang Diệu bước vào. Nhân viên an ninh có vẻ do dự rồi bỏ qua. Nhưng ông Lý Quang Diệu đã hỏi ngay “Tại sao lại không kiểm tra tôi?”. 

Với một vị cựu Thủ tướng là người tuyệt đối tuân thủ quy tắc như thế, dễ hiểu người           Singapore được rèn giũa trong một xã hội mà các công dân luôn sống kỷ cương, tôn trọng luật pháp. Vì thế, kỷ luật cũng chính là một yếu tố gắn kết xã hội. Có lần cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu nêu ví dụ: Thời ông du học ở Anh, người Anh là những người lịch sự, văn minh nổi tiếng thế giới. Lái xe vẫy tay nhau tại các nút giao thông trên đường, hành khách đi các phương tiện công cộng cũng rất nhã nhặn. Nhưng ngày nay, người Anh nổi tiếng với những cổ động viên côn đồ. “Cuộc sống văn minh không bao giờ là vĩnh viễn. Nó có thể thay đổi, ngay cả trong một thế hệ, chỉ cần có sự nỗ lực. Giả sử Singapore không đề ra chiến dịch cấm khạc nhổ nơi công cộng những năm 1960 – 1970, có lẽ chúng ta sẽ cực kỳ lo lắng trước nguy cơ dịch SARS. Cảnh tượng người ngồi trên xe mở kính ô tô để khạc nhổ ra đường, người Singapore đã ngăn chặn từ 20 năm trước”.

Quan điểm của Lý Quang Diệu về lãnh đạo

“Vấn đề là con người không thể nào đánh giá được cái gọi là “phẩm chất”. Bạn có thể đánh giá trí thông minh của một người qua kiểm tra chỉ số IQ... Ngạc nhiên là có nhiều người rất thông minh trên thế giới này lại không đóng góp được gì cho đồng bào mình. Chính “phẩm chất” không đo đếm được đó, cộng với năng lực tinh thần, kiến thức, kỷ luật làm nên khả năng lãnh đạo”. 

(Phát biểu tại một hội nghị về thanh niên và lãnh đạo ngày 10-4-1967)

“Yếu tố duy nhất quyết định đến sự phát triển của Singapore là năng lực của các bộ trưởng và các công chức chất lượng cao... Chúng ta sớm nhận ra rằng họ cần phải có những phẩm chất khác bên cạnh một trí tuệ có thể sắp xếp sự kiện và số liệu, viết luận án tiến sĩ, hoặc là giáo sư. Ngoài khả năng, lãnh đạo còn là nhiều hơn thế - là sự kết hợp của can đảm, quyết tâm, tận tụy… Phẩm chất và năng lực của nhà lãnh đạo làm cho người dân sẵn sàng ủng hộ, làm theo”.

(Trích hồi ký “Từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất”)

“Tôi tin rằng ý thức sâu sắc về tài sản là bản năng của con người. Trong các cuộc bạo loạn những năm 1950 và đầu  1960, người dân tham gia các cuộc bạo loạn, lấy đá ném kính chắn gió, lật xe và đốt. Nhưng giữa những năm 1960, sau khi họ có nhà ở và tài sản, họ đã hành động khác. Tôi đã thấy những thanh niên mang xe tay ga của họ đậu trên đường cất vào nơi an toàn. Điều này làm tôi thêm quyết tâm mạnh mẽ là giúp cho mỗi gia đình có được những tài sản vững bền để họ tự bảo vệ. Tôi đã không sai”. 

(Trích hồi ký “Từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất”)

“Liệu tôi sẽ là một người khác nếu tôi vẫn còn là một luật sư và không tham gia chính trị? Kinh nghiệm làm việc của tôi sẽ hạn chế hơn và tầm nhìn của tôi hẹp hơn. Trên chính trường, tôi đã chạm tới mọi vấn đề của xã hội loài người. Người Trung Quốc có câu: Chim sẻ dù nhỏ cũng có ngũ tạng. Mặc dù có thể nhỏ, nhưng nhu cầu của chúng ta cũng tương tự như người dân các nước lớn. Trách nhiệm đã cho tôi một góc nhìn rộng về xã hội loài người và thế giới quan mà một luật sư sẽ không bao giờ có”.

(Trích hồi ký “Từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất”)

Bài 3: Lý Quang Diệu - người chồng, người cha mẫu mực