Nguyên nhân nào gây ra thảm họa máy bay Lion Air?

ANTD.VN - Hôm qua 30-10, các thợ lặn và nhân viên cứu hộ Indonesia tiếp tục nỗ lực tìm kiếm và trục vớt thi thể các nạn nhân cũng như xác định vị trí các hộp đen trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc của Hãng hàng không Lion Air (Indonesia), làm toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.

Nguyên nhân nào gây ra thảm họa máy bay Lion Air? ảnh 1Các thợ lặn tìm kiếm gần hiện trường vụ tai nạn

Nỗ lực xác định danh tính các nạn nhân

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 30-10 đã tới cảng Tanjung Priok thị sát công tác tìm kiếm cứu nạn. Hiện nhà chức trách Indonesia đang tập trung hoạt động tìm kiếm thi thể hành khách và xác máy bay dưới nước. Họ mang theo một số thiết bị tinh vi để có thể sớm trục vớt được hộp đen từ đáy biển.

Cảnh sát Indonesia cho biết, 26 túi thi thể đã được chuyển từ hiện trường vụ tai nạn đến một bệnh viện địa phương để xác định danh tính các nạn nhân. Các mẫu ADN đã được lấy từ 132 thành viên gia đình của các hành khách để hỗ trợ công tác nhận dạng, nhưng điều này có thể khó khăn. Tại buổi họp báo ngày 30-10, ông Muhammad Syaugi thuộc Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia cho biết, quá trình nhận dạng đang được tiến hành nhanh nhất có thể, nhưng có khả năng không thể tìm thấy toàn bộ thi thể của 189 người trên máy bay. 

Em Keshia Aurelia, 14 tuổi đang ở trường trung học thì nhận được tin mẹ em, bà Fifi Hajanto có mặt trên chuyến bay xấu số. “Cháu đã khóc rất nhiều trong khi chờ đợi thông tin từ nhà chức trách. Toàn bộ thành viên trong gia đình cháu đều khóc. Mẹ cháu là người rất tốt bụng. Cháu không hiểu vì sao chuyện này lại xảy ra”, Aurelia nói. 

Các hộp đen chưa được tìm thấy

Chiếc máy bay gặp nạn là loại máy bay Boeing 737 MAX 8, phiên bản mới nhất của dòng Boeing 737, được mệnh danh là “máy bay tầm ngắn của tương lai”. Vì vậy, nhiều người đặt câu hỏi vì sao chiếc máy bay của hãng Lion Air chở 189 người từ Jakarta đến Pangkal Pinang ngày 29-10 rơi xuống biển chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Máy bay này được Lion Air đưa vào sử dụng từ hồi giữa tháng 8-2018 và mới chỉ có 800 giờ bay. Phi công đã đề nghị trạm kiểm soát không lưu quay trở lại sân bay cách khoảng 19km sau khi cất cánh, nhưng dữ liệu radar không cho thấy máy bay quay trở lại, các nhân viên kiểm soát không lưu mất liên lạc với máy bay ngay sau đó, Yohanes Sirait, phát ngôn viên AirNav Indonesia, cơ quan giám sát hoạt động không lưu, cho hay. Hiện các hộp đen của máy bay chưa được tìm thấy, do đó nguyên nhân tai nạn vẫn nằm trong vòng bí ẩn. 

Theo chuyên gia hàng không Gerry Soejatman, máy bay cũ có khả năng gặp tai nạn cao nhất nhưng xác suất một chiếc máy bay mới gặp tai nạn cũng cao không kém do các vấn đề kĩ thuật trong quá trình sản xuất chỉ được lộ ra sau khi đã sử dụng khoảng 3 tháng. Trong khi đó, biên tập viên tạp chí hàng không The Air Current, ông Jon Ostrower cũng nhận định rằng, có rất nhiều yếu tố khác nhau có thể dẫn đến một tai nạn như vậy như thời tiết, lỗi con người và môi trường xung quanh. Cả hai ông Soejatman và Ostrower đều cho rằng còn quá sớm để rút ra kết luận về nguyên nhân vụ rơi máy bay.   

Lion Air là hàng hàng không giá rẻ của Indonesia, được thành lập vào năm 1999. Trong lịch sử, hãng hàng không này gặp không ít sự cố, mà nghiêm trọng nhất là vụ rơi máy bay hôm 29-10 vừa qua. Gần đây nhất, ngày 29-4-2018, chuyến bay số 892 của hãng đi chệch khỏi đường băng sân bay Jalaluddin do điều kiện thời tiết mưa bão, gây hư hỏng càng mũi máy bay, rất may không có thương vong. Trước đó, ngày 2-4-2017, khoảng 300 lít nhiên liệu từ khu vực cánh máy bay đã chảy tràn trên mặt đường băng sân bay Juanda ở Surabaya. Ngay lập tức hành khách đã được sơ tán khỏi máy bay. Sự cố tràn nhiên liệu này là do van an toàn và thiết bị báo tràn của chiếc máy bay bị hỏng.