Nguy cơ tái phát khủng hoảng hạt nhân Iran

ANTD.VN - Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran - một trong những “điểm nóng” bậc nhất trên thế giới trong thời gian hàng chục năm có nguy cơ tái phát trở lại khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn xét lại thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc đã đạt được với Tehran năm 2015.

Nguy cơ tái phát khủng hoảng hạt nhân Iran  ảnh 1Đại diện nhóm P5+1 và Iran đàm phán để đi đến thỏa thuận JCPOA mở ra cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-9 cho biết, ông đã có quyết định liên quan tới Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) - song từ chối cho biết chi tiết. Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 19-9 trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Donald Trump đã ám chỉ khả năng chính quyền của ông sẵn sàng từ bỏ JCPOA và gọi thỏa thuận này là một “sự xấu hổ” đối với Mỹ.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn đảo ngược quyết định của Mỹ trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran càng thấy rõ hơn khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 19-9 đã tuyên bố thẳng rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran cần phải thay đổi nếu không Washington sẽ không tham gia thỏa thuận này nữa. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về việc một số điều khoản mà ông gọi là điều khoản “Hoàng hôn” trong thỏa thuận JCPOA nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran sẽ hết hạn theo thời gian.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump “xét lại” JCPOA đã làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc bởi hơn 2 năm trước đại diện của 5 cường quốc và Iran đặt bút ký kết vào tháng 7-2015 tại Thủ đô Vienna (Áo), cũng là nơi đặt trụ sở của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), thỏa thuận này đã được ca ngợi mang tính lịch sử bởi mở ra cơ hội giải quyết hòa bình chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. 

Theo thỏa thuận đạt được sau 18 tháng đàm phán cam go, Iran đồng ý cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế (của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như của Mỹ và đồng minh) về tài chính, kinh tế và dầu mỏ. Thỏa thuận JCPOA hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và cho phép tiến hành hoạt động thanh sát thường xuyên các cơ sở hạt nhân tại nước này. 

Thỏa thuận JCPOA từng được cho là một trong những di sản ngoại giao nổi bật của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, JCPOA lại đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do những căng thẳng mới đây giữa chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Tehran. Theo luật pháp Mỹ, cứ mỗi 90 ngày, Bộ Ngoại giao nước này lại phải chứng thực với Quốc hội về việc tuân thủ thỏa thuận của Iran. Đến nay, chính quyền của ông Donald Trump đã 2 lần tái xác nhận sự tuân thủ của Iran và lần tái chứng thực tiếp theo dự kiến vào ngày 15-10 tới.

Ông Donald Trump từ ngày tranh cử Tổng thống Mỹ đã tuyên bố phản đối thỏa thuận JCPOA cũng như nhiều thỏa thuận quốc tế khác của chính quyền Barack Obama như thỏa thuận biến đổi khí hậu… Vì thế, việc ông Donald Trump hủy bỏ thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris sau khi trở thành Tổng thống đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại JCPOA sẽ chịu chung số phận.

Thỏa thuận JCPOA nhằm kiểm soát và kiềm chế để đảm bảo chương trình phát triển hạt nhân của Iran chỉ với mục đích hòa bình sẽ đổ vỡ nếu Mỹ - một bên quan trọng tham gia ký kết - đơn phương hủy bỏ thỏa thuận. Vì thế, các quốc gia như Nga, Pháp… và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng”, khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân có nguy cơ bùng phát trở lại. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Iran sẽ không phải là nước đầu tiên vi phạm JCPOA, song sẽ đáp trả một cách kiên quyết và dứt khoát nếu bất cứ bên nào vi phạm thỏa thuận.