Nguy cơ hỏa hoạn từ các nhà hàng, quán ăn dịp cuối năm

ANTD.VN - Trong những ngày cuối năm, nhu cầu tụ tập ăn uống tại nhà hàng, quán ăn... của người dân tăng đột biến khiến các điểm ăn uống thường xuyên ở trong tình trạng quá tải. 

Đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn tại những nơi này.

Suýt mất mạng vì cháy nhà hàng

Ngày 3-2 vừa qua tại quán Bếp Mường (phố Cao Đạt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xảy cháy khiến hàng chục thực khách bị mắc kẹt trong đó. Nguyên nhân là do một khách hàng đòi châm lửa đốt mẹt đựng đồ ăn để lấy may nên đã gây hỏa hoạn. Vào thời điểm xảy ra sự cố, trong quán có khá đông khách nên đã diễn ra tình trạng hoảng loạn. Sau một thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy và đưa các nạn nhân bị mắc kẹt ra ngoài nên rất may không có thiệt hại về người. Điều đáng nói là trong quán Bếp Mường được bài trí theo lối thôn quê, sử dụng khá nhiều các vật liệu dễ cháy như rơm khô, tre nứa nên khi xảy cháy lửa bắt khá nhanh.

Quán Bếp Mường sau vụ hỏa hoạn

 Cách đây không lâu, một vụ cháy cũng đã xảy ra tại nhà hàng đồ nướng Gogi House trên phố Phạm Ngọc Thạch. Địa điểm phát cháy là từ nhà bếp của nhà hàng. May mắn là vụ cháy đã nhanh chóng được dập tắt. Trước đó, nhà hàng Mường Động Quán trên phố Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đột nhiên bùng cháy khiến không ít thực khách hoảng sợ bỏ bàn ăn chạy tán loạn. Giống như quán Bếp Mường, Mường Động Quán cũng được thiết kế bằng tre nứa, cổng lợp mái tranh nên rất dễ bắt lửa.

Về nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn tại các nhà hàng, quán ăn, anh Vũ Đình Dũng, chủ một nhà hàng hải sản trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, cuối năm trời khá lạnh nên nhiều nhà hàng sử dụng bếp gas, bếp cồn đặt tại bàn để hâm nóng đồ ăn. Do đó, chỉ cần khách hoặc nhân viên sơ ý, hỏa hoạn sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, khi lượng khách trong nhà hàng trở nên quá tải thì việc kiểm soát những hành động bộc phát của khách cũng khá khó khăn, chưa nói đến việc một số bình gas bỗng nhiên phát nổ trong quá trình sử dụng…

Người gây ra hỏa hoạn có thể phải ngồi tù

Về trách nhiệm bồi thường khi xảy ra hỏa hoạn tại các nhà hàng, quán ăn, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định hiện hành, người nào gây ra điểm cháy đầu tiên dẫn đến việc cháy lan ra diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm. 

Theo Điều 48, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 25-50 triệu đồng; Phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với hành vi do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ; Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về PCCC, theo điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi. Theo đó, người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2-5 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 7-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

 Về trách nhiệm bồi thường, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, đối với các thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây ra vụ cháy bồi thường. Còn với các công trình lân cận, chủ các công trình này nếu bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc vật chất do vụ cháy gây ra có quyền yêu cầu người gây hỏa hoạn (theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền) bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp này, các bên có thể thỏa thuận về mức, hình thức bồi thường (bằng tiền, hiện vật hoặc thực hiện một công việc), phương thức bồi thường. Nếu các bên không thỏa thuận được, bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa án cấp có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

“Nhằm hạn chế những vụ hỏa hoạn xảy ra dịp sát Tết, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm về PCCC. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân khi đi ăn bên ngoài cần thận trọng, không đến nơi có quá đông người và nên quan sát kỹ lối thoát hiểm đề phòng khi xảy ra sự cố” - Luật sư Lê Hồng Vân khuyến cáo.