Nguy cơ đáng lo ngại khi chi nhánh IS đang mạnh dần lên ở Afghanistan

ANTD.VN - Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm 19-8 tuyên bố sẽ loại bỏ tất cả các điểm trú ẩn an toàn của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau vụ đánh bom liều chết kinh hoàng vào tiệc cưới ở Kabul. Vụ tấn công đã làm dấy lên lo ngại về việc Afghanistan có thể sẽ trở thành căn cứ mới của IS.

Tuyên bố của Tổng thống Ashraf Ghani được đưa ra khi người dân Afghanistan để tang ít nhất 63 người, bao gồm cả trẻ em, trong vụ đánh bom vào tiệc cưới tối 17-8 ở Kabul. Gần 200 người khác bị thương.

Nhiều người Afghanistan vẫn tự hỏi, liệu thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban sắp đạt được nhằm chấm dứt gần 18 năm đối đầu, cũng là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, có mang lại hòa bình cho những thường dân vô tội. Kẻ đánh bom đã kích nổ giữa đám đông đang ăn mừng đám cưới, chi nhánh IS sau đó nói rằng nghi phạm nhắm vào nhóm người Shiite thiểu số, những người mà bọn họ coi là những kẻ ngoại đạo đáng chết.

Vụ đánh bom liều chết này cũng làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng của hàng nghìn phần tử thánh chiến trong hàng ngũ IS, cũng như khả năng nhóm này đang tập hợp lực lượng toàn cầu để xây dựng lại thành trì của mình ở những ngọn núi hẻo lánh phía Đông Bắc Afghanistan. Một số quan chức Mỹ từng nhận định rằng, nhóm chiến binh IS có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn cho nước Mỹ so với những gì Taliban đã làm ở vùng đất này.

Nguy cơ đáng lo ngại khi chi nhánh IS đang mạnh dần lên ở Afghanistan ảnh 1Cảnh tan hoang sau vụ đánh bom liều chết nhằm vào trung tâm tiệc cưới ở Kabul, Afghanistan hôm 18-8-2019

Một “tỉnh” của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo

Chi nhánh IS ở Afghanistan xuất hiện ngay sau khi đội quân này càn quét Syria và Iraq vào năm 2014, tạo ra một vương quốc Hồi giáo tự phong, kiểm soát 1/3 diện tích ở cả 2 nước. Chi nhánh IS ở Afghanistan tự nhận là tỉnh Khorasan, một tên gọi của vùng đất gồm Afghanistan, Iran và Trung Á trong thời Trung cổ.

Mặc dù IS bị đánh bại ở Iraq và Syria, nhóm cực đoan này vẫn phản công bằng các cuộc tấn công kiểu nổi dậy nhằm vào lực lượng an ninh và dân thường ở cả hai quốc gia này. 

Trong một báo cáo trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi đầu tháng 8 này, Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, cảnh báo rằng sự tạm lắng trong các cuộc tấn công quốc tế do IS chỉ đạo có thể là tạm thời và Afghanistan vẫn là khu vực xung đột tiềm năng nhất trong số những nơi thu hút các chiến binh cực đoan nước ngoài.

Ban đầu, chi nhánh IS ở Afghanistan chỉ có vài chục thành viên, chủ yếu là những phần tử Taliban người Pakistan nhận chỉ đạo từ các căn cứ bên kia biên giới cùng những thành viên theo Taliban người Afghanistan bất mãn và ảnh hưởng tư tưởng cực đoan của IS. Trong khi Taliban chỉ giới hạn cuộc chiến đấu tới mảnh đất Afghanistan, thì các chiến binh IS cam kết trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh ẩn dật của nhóm ở Trung Đông, chấp nhận lời kêu gọi về một cuộc thánh chiến chống lại người không theo Hồi giáo trên toàn thế giới.

Chi nhánh của IS tại Afghanistan đã phải chịu một số thất bại ban đầu khi các thủ lĩnh mất mạng do bị Mỹ không kích. Tuy nhiên, đội ngũ của nó lớn mạnh dần khi thành viên Phong trào Hồi giáo Uzbekistan gia nhập vào năm 2015. Theo thống kê của Liên hợp quốc, đội quân này hiện có khoảng 2.500 đến 4.000 thành viên, bao gồm công dân các nước Trung Á, Ảrập, Chechnya, Ấn Độ và Bangladesh, cũng như người Duy Ngô Nhĩ từ Trung Quốc. 

Ở Afghanistan, IS đã thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào những người Shiite thiểu số, những người mà họ coi là những kẻ ngoại đạo đáng chết. Nhóm này cho biết, cuộc tấn công tiệc cưới hôm 17-8 nhằm vào một nhóm người Shiite lớn, mặc dù trên thực tế, đám đông dự sự kiện có cả người Shiite lẫn người Hồi giáo Sunni.

IS được coi là mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn cả phiến quân Taliban vì khả năng quân sự ngày càng tinh vi và chiến lược nhắm vào thường dân, cả ở Afghanistan và nước ngoài. Bruce Hoffman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Đại học Georgetown đánh giá, Afghanistan có thể sẽ trở thành căn cứ mới của IS. “Đội quân này đã dồn sự chú ý và đầu tư một nguồn lực đáng kể ở Afghanistan”, ông cảnh báo vào đầu năm nay, trong đó nhắc nhở thêm về những kho vũ khí lớn ở phía Đông nước này.

Mỹ - Taliban bắt tay, liệu IS có lụi bại? 

Nhà chức trách đã triệt phá ít nhất 8 vụ việc liên quan đến chi nhánh IS của Afghanistan tại Mỹ. Một trong số này là đối tượng Martin Azizi-Yarand, người Texas, 18 tuổi, đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công năm 2018 nhằm vào một trung tâm thương mại ở ngoại ô. Nghi phạm khai rằng đã được IS truyền cảm hứng và đang chuẩn bị gia nhập tổ chức.

Chiến thuật tàn bạo của nhóm IS đã được phô trương tại Afghanistan trong nhiều năm. Các cư dân trốn được khỏi các khu vực bị nhóm này bắt giữ mô tả, hành động khủng bố của bọn chúng không khác gì IS thời kỳ đỉnh cao sức mạnh ở Syria và Iraq. 

Chi nhánh IS ở Afghanistan có trụ sở ở tỉnh phía Đông Nangarhar, một khu vực miền núi dọc biên giới với Pakistan, nhưng nó cũng hoạt động mạnh mẽ ở phía Bắc Afghanistan với địa hình hiểm trở nên khó có thể đánh bật. Phải nhắc lại rằng, tỉnh miền núi Kunar là nơi trú ẩn cho thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden trong gần 1 năm sau khi đội quân Taliban bị thất trận vào năm 2001, và quân đội Mỹ đã mất nhiều năm để chiếm và giữ các tiền đồn tầm cao ở đó.

Trong những tháng gần đây, Taliban tuyên bố không có tham vọng độc chiếm quyền lực ở Afghanistan thời kỳ hậu chiến tranh, trong khi IS khẳng định sẽ lật đổ chính quyền Kabul trên con đường thành lập một Nhà nước Hồi giáo toàn cầu.

Taliban và IS bị chia rẽ mạnh mẽ về ý thức hệ và chiến thuật. Taliban chủ yếu mở các cuộc tấn công vào các mục tiêu của chính phủ, lực lượng an ninh Afghanistan và quốc tế. Taliban và IS cũng đã giao tranh với nhau trong một số dịp, và ở quốc gia này, Taliban vẫn là lực lượng lớn hơn và hùng mạnh hơn. Hiện nhóm này đang ở thế mạnh nhất kể từ khi Mỹ mở mặt trận tại Afghanistan năm 2001 và kiểm soát hiệu quả một nửa đất nước.

Ông Khalilzad, đặc phái viên Mỹ, đã tổ chức nhiều vòng đàm phán với Taliban trong những tháng gần đây trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hai bên dường như đang tiến tới một thỏa thuận trong đó Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan, để đổi lại, Taliban cam kết giữ cho đất nước này không trở thành bệ phóng cho các cuộc tấn công toàn cầu.

Nhưng người ta cũng lo ngại rằng, thỏa thuận như vậy có thể khiến một bộ phận chiến binh Taliban cực đoan hơn gia nhập IS. Quá trình đó đã diễn ra ở các vùng phía Bắc và phía Đông Afghanistan, nơi Taliban đã tấn công IS để rồi chịu mất các tay súng và quyền kiểm soát lãnh thổ cho nhóm đối thủ cực đoan.

Cộng đồng quốc tế lên án vụ đánh bom kinh hoàng ở Kabul

Nguy cơ đáng lo ngại khi chi nhánh IS đang mạnh dần lên ở Afghanistan ảnh 2Nỗi đau của gia đình nạn nhân thiệt mạng  

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 18-8 đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 17-8 nhằm vào một lễ cưới ở Kabul, đồng thời bày tỏ “sự cảm thông sâu sắc nhất đối với gia đình các nạn nhân, cũng như Chính phủ và nhân dân Afghanistan”.

Nước láng giềng Pakistan cùng ngày chỉ trích kịch liệt vụ đánh bom kinh hoàng này. Tuyên bố của Islamabad nhấn mạnh, Pakistan lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa chung đối với toàn khu vực và do đó phải bị đánh bại. Pakistan đồng thời gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình các nạn nhân vô tội và mong những người bị thương sớm bình phục.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố vô nhân đạo nhằm vào những người dân vô tội này và gửi lời chia buồn tới Chính phủ và người dân Afghanistan.