Nguy cơ chia rẽ

(ANTĐ) - Sự chia rẽ quan điểm chính trị giữa miền Đông và miền Tây Ukraine lại một lần nữa được khuấy động khi chính quyền nước này đề nghị được tham gia Kế hoạch hành động đối tác NATO (NMAP).

Nguy cơ chia rẽ

(ANTĐ) - Sự chia rẽ quan điểm chính trị giữa miền Đông và miền Tây Ukraine lại một lần nữa được khuấy động khi chính quyền nước này đề nghị được tham gia Kế hoạch hành động đối tác NATO (NMAP).

Đây là bước đi quan trọng đầu tiên để có thể gia nhập tổ chức quân sự này trong tương lai.

Trong bản thông cáo chung được cả Tổng thống Viktor Yushchenko, Thủ tướng Yulia Tymoshenko và Chủ tịch Quốc hội Arseny Yatsenyuk cùng ký tên gửi Tổng thư ký NATO Jaap De Hoop Scheffer, ban lãnh đạo cao nhất của Ukraine đề nghị xem xét việc để nước này tham gia NMAP tại Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức quân sự này diễn ra tại Rumani vào tháng 4 tới. Tổng thống Yushchenko cho rằng gia nhập NATO là mục tiêu chiến lược của Ukraine và đề nghị Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng như các thành viên NATO khác ủng hộ.

Việc chính quyền Ukraine đề nghị được tham gia NMAP đã gây những phản ứng trái ngược nhau. Trong khi dư luận và người dân phía Tây đất nước có khuynh hướng muốn thắt chặt quan hệ với phương Tây ủng hộ thì phía Đông đất nước lại phản đối. Đảng “Các khu vực”, đảng đối lập lớn nhất, của cựu Thủ tướng Viktor Yanukovich ra tuyên bố khẳng định đề nghị tham gia NMAP của ban lãnh đạo Ukraine là vi phạm Hiến pháp.

Tổng thống Yushchenko và Thủ tướng Tymosheko cùng ngỏ ý muốn tham gia NMAP

Tổng thống Yushchenko và Thủ tướng Tymosheko cùng ngỏ ý muốn tham gia NMAP

Một lần nữa đất nước Ukraine lại phải đối mặt với nguy cơ chia rẽ trong lòng đất nước vốn xuất hiện ngày càng nhiều sau cuộc “cách mạng da cam”. Gia nhập NATO luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm ở Ukraine kể từ khi nó được chính quyền Tổng thống Yushchenko đặt ra. Năm 2006, vấn đề này đã gây tranh cãi đến mức các chính đảng phải cùng ký một thỏa thuận cam kết được trưng cầu ý dân việc gia nhập NATO.

Chính vì lo ngại bị cáo buộc vi phạm thoả thuận từng cam kết, chính quyền Tổng thống Yushchenko đang ra sức giải thích rằng đó chỉ là một đề nghị tăng cường hợp tác Ukraine-NATO, và rằng trong bản thông cáo chung gửi tới Tổng thư ký NATO không có một chữ nào nói về việc “nộp đơn xin gia nhập”. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng tham gia NMAP chính là bước đi đầu tiên để một quốc gia xin làm thành viên mới của NATO.

Ngoại trưởng Ukraine Vladimir Ogryzko thanh minh, nếu muốn gia nhập NATO thì chính quyền phải tổ chức trưng cầu dân ý. Song giới bình luận cho rằng chính quyền Ukraine sẽ chưa tổ chức trưng cầu ý dân nếu họ thực sự tính tới chuyện gia nhập NATO. Các cuộc thăm dò dư luận tại quốc gia thuộc Liên Xô trước đây này cho thấy đa số người dân vẫn phản đối tổ chức quân sự đối trọng với Liên Xô trước đây.

Phản ứng trước động thái mới của ban lãnh đạo Ukraine, cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kushma đã kêu gọi chính quyền hiện nay nên duy trì đường lối trung lập của đất nước và cho rằng việc gia nhập NATO phải được quyết định trên cơ sở trưng cầu ý dân. Ngay Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Lugar khi thăm Ukraine ngày 15-1 cũng cho rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO nếu thiếu sự nhất trí của nhân dân. Ông Lugar cho rằng đề nghị của chính quyền Ukraine chắc chắn sẽ dấy lên các cuộc tranh cãi trong xã hội.

Hoàng Hà