"Người máy" Anatoly kể lại ký ức kinh hoàng ở sân bay Donetsk

ANTĐ - “Đáng sợ nhất là lúc phải nghe tiếng rên rỉ đau đớn của đồng đội mà bản thân không thể làm gì để cứu giúp”.

Sergeant Major Anatoly Svyryd, một binh sĩ Ukraine sống sót trong thất bại cay đắng của lực lượng chính phủ ở sân bay Donetsk, đã hồi tưởng lại quãng thời gian tham gia giao chiến và bị giam cầm trong nhà tù của phiến quân nổi dậy.

Được mệnh danh là “người máy”, Anatoly cùng đồng đội của mình nhận nhiệm vụ trấn giữ sân bay Donetsk, một trong những vị trí phòng vệ chiến lược của chính quyền Kiev. Thất bại cay đắng ở sân bay hôm 22-1 không chỉ khiến Kiev mất đi một phần lãnh thổ trọng yếu, mà còn khiến hàng chục người chết, nhiều dân thường bị thương và khiến những binh sĩ như Anatoly trở thành tù nhân của nhà tù nổi dậy.

“Không phải trò chơi”

Anatoly từng nghĩ rằng anh đã có thể chết trong cuộc chiến khốc liệt cuối cùng kéo dài cả ngày lẫn đêm.
"Người máy" Anatoly kể lại ký ức kinh hoàng ở sân bay Donetsk  ảnh 1Anatoly với vết thương nặng ở cánh tay phải

Người đàn ông vóc dáng cao lớn, mạnh mẽ, có cái đầu trọc lóc, bắp tay cuồn cuộn với những hình xăm, đã lăn dài những giọt nước mắt khi nhắc đến hình ảnh đồng đội của mình bị nghiền nát trong bom đạn, chứng tỏ thực tế cay đắng của chiến tranh mà anh phải nếm trải.

“Đáng sợ nhất là lúc phải nghe tiếng rên rỉ đau đớn của đồng đội mà bản thân không thể làm gì để cứu giúp. Đó không phải là một trò chơi, chúng tôi phải chiến đấu cho đến người cuối cùng”, Anatoly nói. Những gì còn lại của sân bay Donetsk là minh chứng rõ nhất cho chiến tranh, bom đạn và khói lửa đang hàng ngày diễn ra trên đất nước Ukraine.

Theo lời Anatoly kể, sau khi đầu hàng, anh và nhiều đồng đội của mình buộc phải diễu hành qua đường phố Donetsk, và đưa về giam cầm trong một nhà tù của lực lượng nổi dậy. "Mọi người chạy đến trước mặt chúng tôi, nhổ nước bọt, la hét chửi rủa, đấm đánh và ném đá, ném trứng thối vào chúng tôi”.

Sân bay Donetsk giờ chỉ còn là một đống đổ nát

Lực lượng ly khai tuyên bố đã đưa Anatoly và những chiến binh Ukraine đầu hàng đến các khu vực bị quân đội chính phủ dội bom tàn phá. Anatoly nói rằng khó có thể tin được bên nào đã ném bom tàn phá những khu vực này, nhưng “ở một mức nào đó, tôi thông cảm cho nỗi đau của họ”.

“Chúng tôi đã trở thành con tin. Điều đó không phải là dễ chịu, nó thực sự đau đớn khi tôi hầu như không thể đi bộ, tôi có nhiều mảnh đạn ở chân, tôi bị đau ở xương sườn và không thể thở được”.

Các hình ảnh của Anatoly, và các tù nhân khác đi khập khiễng trên đường phố Donetsk đã được phát sóng trên các kênh truyền hình địa phương. Và ở Kiev, cách xa hàng trăm dặm, Oksana, vợ của Anatoly đã phải chứng kiến cảnh này trong nước mắt.

Dũng cảm cứu chồng
Sau khi diễu hành, Anatoly bị giam giữ cùng các tù nhân khác trong một tầng hầm của tòa nhà không có cửa sổ và hệ thống sưởi ấm. “Chúng tôi không thể biết đó là ngày hay đêm, trong một ngày họ cho chúng tôi ăn 2 bữa và dẫn đi vệ sinh 4 lần”, anh nhớ lại.

Anatoly nói rằng anh phải chịu áp lực tâm lý liên tục, mặc dù quân nổi dậy không tra tấn tàn bạo, thậm chí chính Anatoly cũng phải thừa nhận điều kiện giam giữ của anh “không tồi”.

Trong khi đó, vợ của Anatoly đã đến Donetsk để cứu chồng. Tuy nhiên, chính Oksana cũng bị bắt giữ vì các cáo buộc là gián điệp.

Oksana bất chấp tính mạng đến Donetsk cứu chồng

Anatoly biết tin này khi vẫn bị nhốt trong nhà tù của quân nổi dậy: “Cô ấy đi đến Donetsk là một sự nguy hiểm, không chỉ đối với tôi và cô ấy mà còn cả với Mark, đứa con trai 9 tuổi của tôi bị bỏ ở nhà. Chỉ có một người dũng cảm mới làm như vậy”.

Oksana đã được thả tự do sau 12 ngày giam giữ. Hai tuần sau, chồng cô cũng được phóng thích trong một cuộc trao đổi tù nhân giữa hai bên. Anatoly đang điều trị trong bệnh viện với một tay bị thương do bị các mảnh bom găm vào thịt.

Mặc dù mất đồng đội trong cuộc chiến ở sân bay Donetsk và bị giam giữ như một tù nhân nhưng Anatoly không cảm thấy bất cứ sự hận thù nào với những người đàn ông nổi dậy.

“Họ là xác thịt và máu mủ của chúng tôi. Mặc dù lý tưởng và hành động có vẻ khác nhau nhưng tôi không thấy cảm ghét hay hận thù họ”.