Người giàu không đổ tiền vào vàng khi sốt giá

(ANTĐ) - Vào những thời điểm giá vàng lên cơn sốt, cảnh tượng xếp hàng dài trước các cửa hàng, đại lý vàng bạc để mua vàng đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, theo chủ các cửa hàng thì lượng người xếp hàng chủ yếu mua với số lượng nhỏ, rất hiếm thấy khách hàng mua vài chục lượng.

Người giàu không đổ tiền vào vàng khi sốt giá

(ANTĐ) - Vào những thời điểm giá vàng lên cơn sốt, cảnh tượng xếp hàng dài trước các cửa hàng, đại lý vàng bạc để mua vàng đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, theo chủ các cửa hàng thì lượng người xếp hàng chủ yếu mua với số lượng nhỏ, rất hiếm thấy khách hàng mua vài chục lượng.

Người mua nhỏ tăng đột biến

Không khó để nhận diện những người chen chân xếp hàng mua vàng mỗi khi vàng lên cơn sốt? Qua câu chuyện rủ rỉ lúc chờ đợi tới lượt, ai cũng có thể nhận ra đó là một cô nhân viên văn phòng “tranh thủ” thời gian của cơ quan, đó là vợ chồng một chủ cửa hàng buôn bán nhỏ, là các cụ hưu trí gom góp lương hưu… để mua một vài chỉ “phòng thân”.

Đổ xô mua vàng tạo ra áp lực tâm lý không đáng có

Đổ xô mua vàng tạo ra áp lực tâm lý không đáng có

Chị Thu Thủy - giao dịch viên một ngân hàng thương mại chia sẻ: “Mỗi tháng thu nhập được hơn 5 triệu đồng, trừ các khoản chi tiêu mình đều gửi 2 triệu cho mẹ mua vàng hộ. Khi giá vàng còn thấp thì mỗi tháng cũng mua được một chỉ, nhưng càng ngày giá vàng càng tăng cao, mẹ mình phải bù thêm, đến giờ thì phần bù là tương đối lớn. Với những người có thu nhập ở mức trung bình như mình thì mua vàng được coi là khoản tiết kiệm hay để dành chứ khó có thể gọi là đầu tư”.

Tiếp câu chuyện, chị Thủy kể: “Nói đến đầu tư thì mình chơi thân với một anh làm trưởng phòng thẻ ở cùng ngân hàng, lương tháng của hai vợ chồng tổng cộng hơn 30 triệu đồng, ngoài ra còn có gần 100 phòng trọ cho thuê, thu nhập hàng tháng cao như vậy, nhưng cả 2 vợ chồng đều không mấy quan tâm tới chuyện mua vàng. Quan điểm của anh ấy là chỗ nào có lợi thì đầu tư và hiện giờ vợ chồng anh ấy đang sở hữu nhiều mảnh đất thay cho việc mua vàng”.

Ông Lưu Quang Điền - Giám đốc Công ty cổ phần SJC Hà Nội cho biết, thị trường vàng luôn có sự thay đổi bất thường, biến đổi trong những ngày gần đây cũng không ngoại lệ. Có một “bất thường” đáng chú ý là giá trong nước thay đổi không hoàn toàn theo giá thế giới mà có nhiều ảnh hưởng bởi những yếu tố nội tại. Điển hình là chênh lêch tỷ giá theo xu hướng tăng giữa VND và USD. Yếu tố đầu tư vào vàng (chứ không phải đầu cơ) để đảm bảo giá trị VND là tâm lý chung và tương đối phổ biến biểu hiện rõ ở những đối tượng mua vàng số lượng nhỏ tăng đột biến trong thời gian này.

Tiền “đổ” vào vàng làm lợi cho người đầu cơ

TS.Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM phân tích: “Đứng về mặt ngắn hạn vàng là “lá chắn” khá tốt đảm bảo cho tài sản. Trong bối cảnh này vàng như là “Vịnh Hạ Long” để người dân “núp” tài sản dư vào đó. Đây không chỉ là bối cảnh của Việt Nam mà còn là bối cảnh của cả thế giới. Việc mua vàng có 2 ý nghĩa, thứ nhất là bảo tồn tài sản, thứ 2 là gia tăng tài sản. Ở nhu cầu thứ 2, có một số nhà đầu tư kiếm lợi nhuận khi mua-bán. Tuy nhiên, khi tiền “chảy” vào vàng đồng nghĩa với một nguồn lực lớn không chuyển vào sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng đầu cơ thu lợi lớn”.

Vấn đề là phải khơi thông dòng chảy vàng. Nếu quản trị vàng theo quota thì phải gia tăng quota nhập, còn quản trị theo hướng thị trường thì phải cho sàn vàng quay trở lại, khi đó giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ ngang bằng nhau. Chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới nếu không được cải thiện càng tạo điều kiện cho vàng nhập lậu. Đưa giá vàng xuống thấp là không thể vì giá vàng trong nước phụ thuộc giá vàng thế giới, nhưng việc để giá vàng chênh lệch lên tới hàng triệu đồng là lỗi ở quản lý.

Mỗi đợt vàng lên “cơn sốt”, giá trong nước và giá thế giới chênh lệch mạnh, NHNN thường cấp quota cho một số đơn vị nhập khẩu vàng để bình ổn giá. TS.Lê Thẩm Dương cho rằng, đây là biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề đầu cơ và giá vàng chênh lệch. Tuy nhiên, nhập vàng khiến tổng kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh mà đây không phải là nhập để sản xuất dẫn tới ngoại tệ bị mất cân đối mà hậu quả của nó là giá vàng tiếp tục tăng. Như vậy sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn. Nếu không cho nhập, thì người dân chịu thiệt, tạo điều kiện cho các đối tượng đầu cơ, trong khi đó, ngoại tệ vẫn chảy ra nước ngoài qua con đường buôn lậu.                         

Vắng bóng nhà đầu tư lớn

“Quan sát thị trường trong những ngày qua, tôi thấy, khách hàng đến giao dịch chưa xuất hiện nhà đầu tư lớn mà đa số là các nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Họ đến mua vàng bởi lo sợ VND mất giá, thậm chí có người chỉ mua vài ba chỉ, thậm chí có người mua 1/2 chỉ”.

Ông Lưu Quang Điền
Giám đốc CTCP SJC Hà Nội

Đổ xô đi mua vàng không khác gì làm “cò không công”

“Thực ra những người mua với số lượng ít là người mua để dành, đồng thời cũng là tín hiệu phản ánh tâm lý bất an rất rõ. Ngoài cửa hàng vàng tivi quay nhiều người lắm, nhưng số mua không đáng là bao. Thứ nhất là có một bộ phận ra xem, thứ hai là số người mua mấy phân đến một chỉ. Đây là chỗ của những người bị tác động tâm lý. Về mặt dự trữ cũng không nhiều, về mặt góp phần vào đầu tư cũng không đáng kể nhưng có tác dụng rất bất lợi là gây ra áp lực tâm lý tới nhiều bộ phận của xã hội. Ngoài ra, việc đổ xô đi mua vàng không khác gì làm “cò không công” cho các đối tượng đầu cơ”. 

TS. Lê Thẩm Dương
Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM

Anh Tú