Người cao tuổi Nhật Bản không còn sợ viễn cảnh "chết cô đơn"

ANTD.VN - Robot “bạn của người già” được vận hành bởi viện an dưỡng    Shin-tomi ở Tokyo, nơi sử dụng 20 mô hình khác nhau để chăm sóc cho những “cư dân” đặc biệt của mình. Chính phủ Nhật Bản hy vọng nó sẽ là một mô hình hữu hiệu giúp giải quyết tình trạng dân số già và sụt giảm nhân công.

Nhật Bản dùng Robot chăm sóc người già giúp giải quyết tình trạng dân số già và sụt giảm nhân công

Đến viện dưỡng lão Shin-tomi ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), người ta sẽ bắt gặp những chú robot không chỉ dễ thương lại hết sức hữu hiệu trong việc chăm sóc người già. Robot được các nhà phát minh đặt cho cái tên Pepper, cao khoảng 1,2 m, được trang bị những cảm biến hiện đại để có thể nhận biết cảm xúc, giới tính và đoán tuổi người đối diện, trò chuyện, giúp người già tìm được niềm vui. 

Bên cạnh Pepper còn rorbot Paro, Paro mang thân hình giống với chú hải cẩu đem đến sự thoải mái và cảm giác dễ chịu. Paro không chỉ có khả năng biểu hiện những trạng thái cảm xúc như bất ngờ, vui sướng hay giận dữ mà còn có thể nhận biết ánh sáng và bóng đêm,  nhận biết âm thanh và có khả năng nghe được tên.

“Đối với người già đơn thân chúng tôi thì chúng là những người bạn tuyệt vời”, bà Kazuko Yamada, 84 tuổi nói về chú robot Pepper của mình. Nó có thể thực hiện các cuộc đối thoại kịch bản. Bà  Yamada đã sống cả thập kỷ buồn chán trong viện dưỡng lão cho tới khi được SoftBank Robotics Corp giới thiệu sản phẩm Pepper, “Nó có thể trò chuyện với tôi cả ngày không biết mệt. Cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều”.

Không chỉ có khả năng bầu bạn, một số robot hiện nay như sản phẩm của Panasonic Corp đã bắt đầu biết vận chuyển giường và biến thành một chiếc xe lăn. Những tiến bộ khoa học đó đã giúp công việc của điều dưỡng hiện giờ bớt nặng nhọc hơn nhiều.

Mặc dù Nhật Bản cho phép người lao động nước ngoài hành nghề điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi, nhưng vẫn có những trở ngại nhất định như bất đồng ngôn ngữ. Chính vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho việc phát triển các robot chăm sóc người già để lấp đầy khoảng thiếu hụt 380.000 nhân công dự kiến vào năm 2025.

Ông Atsushi Yasuda, Giám đốc Văn phòng Chính sách Robot tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết: Hơn 100 nhóm thương nhân nước ngoài đã đến tham quan  Shin-tomi trong năm 2017  gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Hà Lan. METI ước tính rằng ngành công nghiệp trong nước sẽ tăng lên 400 tỷ yên (3,8 tỷ USD) vào năm 2035, khi một phần ba dân số Nhật Bản sẽ đạt 65 tuổi trở lên. METI  thúc đẩy phát triển cung cấp 4,7 tỷ yên (45 triệu USD) trợ cấp từ năm 2015. Bộ Lao động đang hướng tới sự phát triển của robot, và đã chi 5,2 tỷ yen (50 triệu USD) để đưa chúng vào 5.000 cơ sở trên toàn quốc.

Tuy việc phát triển robot cũng gặp rất nhiều trở ngại như mức chi phí cao, các vấn đề an toàn và nghi ngờ về sự hữu ích cũng như thân thiện với người sử dụng, song  các công ty Nhật Bản cũng đang chú ý đến thị trường xuất khẩu tiềm năng với cam kết sẽ cung cấp robot cho những nước như Đức, Trung Quốc và Ý.