Ngừng "cuộc chiến", xe quá tải tái xuất

ANTD.VN -  “Cuộc chiến” chống xe quá tải suốt 3 năm qua đang chùng xuống, nhiều địa phương đã dừng và giải tán đội cân xe tại trạm kiểm soát tải trọng lưu động.

Xe chở quá tải trọng hoạt động trên đường vành đai 2 Hà Nội

Cuối năm 2013, đầu 2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đầu tư cho 63 tỉnh, thành phố mỗi địa phương 1 bộ cân tải trọng di động để bắt đầu “cuộc tổng tấn công” xe quá tải. Tháng 6-2016, Bộ GTVT nhận định, sau gần 3 năm ráo riết vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương, xe quá tải đã giảm đến 80-90%. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhiều trạm cân đã phải giải tán hoặc tạm ngừng hoạt động. 

“Buông” xe quá tải?

Ghi nhận trên nhiều tuyến đường cho thấy, xe quá tải đã hoạt động mạnh trở lại. Ngay trên địa bàn Hà Nội, đường Hồ Chí Minh đoạn Xuân Mai - Hòa Lạc, Quốc lộ 6 đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình, xe quá tải trọng, xe cơi nới thành thùng chở nguyên vật liệu hoạt động bất kể ngày đêm. Tại nhiều địa phương khác dọc Quốc lộ 1 hay tại Hưng Yên, Bắc Giang, tình trạng xe quá tải hoạt động còn mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, hầu hết các tỉnh, thành phố đã giải tán trạm kiểm soát tải trọng lưu động và đưa bộ cân lưu động vào… tình trạng “phủ bạt”.

Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho biết: “Là một trong những người tham gia “cuộc chiến” chống xe quá tải từ ngày đầu tiên, tôi khẳng định, chúng ta từng có kết quả khả quan, nhưng giờ thấy tình trạng diễn biến như hiện nay mà đau lòng”. Ông Đặng Văn Chung nhìn nhận, đúng là có tình trạng một số địa phương, bộ, ngành buông lỏng xử lý xe quá tải, dẫn tới tái diễn tình trạng xe quá tải chạy đường dài không bị xử phạt, đặc biệt là trên Quốc lộ 1. “Các trạm cân kiểm soát tải trọng lưu động dọc Quốc lộ 1 đã rút gần hết, chỉ còn lại một số ít địa phương vẫn duy trì như Nghệ An, Vĩnh Long”, ông Đặng Văn Chung thông tin.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc chống xe quá tải bị chùng xuống, theo lãnh đạo Vụ ATGT là do một số địa phương không hiểu hoặc hiểu sai, cho rằng đã dừng toàn bộ sự phối hợp giữa ngành giao thông và các cơ quan liên quan trong việc chống xe quá tải. Hệ quả, sau khi lực lượng CSGT rút khỏi các trạm kiểm soát tải trọng xe, lực lượng thanh tra GTVT cũng rút về các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ nên Quốc lộ 1 đang gần như trống trạm cân xe lưu động. 

Trách nhiệm chính thuộc về địa phương

Trả lời câu hỏi về việc một số địa phương cố tình buông lỏng việc chống xe quá tải, ông Đặng Văn Chung nói: “Cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là có địa phương không muốn làm, không muốn chống xe quá tải vì mục tiêu phát triển kinh tế. Chúng tôi đã nhận được phản ánh về việc này.

Thậm chí, lãnh đạo một số địa phương còn có suy nghĩ rằng, xe to như vậy không cho chở đầy thì lãng phí…”. Cũng bởi vậy nên mới có tình trạng cố tình hiểu nhầm rằng khi Kế hoạch 12593 về phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá trọng tải kết thúc thì cũng xem như chấm dứt toàn bộ “cuộc chiến” chống xe quá tải. 

Theo ông Đặng Văn Chung, trước thực trạng xe quá tải hoành hành trở lại, cuối năm 2016, Tổng cục Đường bộ đã đề xuất Bộ GTVT tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị 32 ngày 25-11-2016 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, trong đó Thủ tướng giao cụ thể trách nhiệm kiểm soát tải trọng xe là chính quyền địa phương.

Lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về tình trạng xe quá tải trên địa bàn mình quản lý. “Nếu địa phương nào cũng làm chặt, quan tâm đến chống xe quá tải thì có trạm cân lưu động hay không có vẫn dẹp được xe quá tải, yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở con người”, ông Đặng Văn Chung cho hay.

Rõ ràng, các quy định tại Chỉ thị 32 chưa “thấm” tới các địa phương. Xe quá tải, xe cơi nới thùng đang “nóng” trở lại và nếu  các địa phương tiếp tục lơ là thì kết quả hơn 3 năm chống xe quá tải sẽ sạch trơn.