“Ngòi nổ” ở Italia

ANTĐ - Trong cơn lốc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu, chẳng ai có thể đứng ngoài. Nhưng với lớp trẻ Italia, cuộc vật lộn để tồn tại xem ra thật khắc nghiệt. 

Một cuộc biểu tình phản đổi tình hình bất ổn hiện nay ở Italy

Theo Cơ quan thống kê quốc gia Italia (ISTAT), Italia có hơn 27% thanh niên trong độ tuổi từ 15-34 bị liệt vào dạng NEETs (không đến trường, không có việc làm và không được đào tạo). Tính đến hết quý III-2013, những người dưới 35 tuổi trong tình trạng nói trên là 3,75 triệu người, chiếm 28,5%, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2012, trong khi đó mức trung bình ở châu Âu là 17,3%. Riêng ở miền Nam tỷ lệ này là 36,2% với hơn 2 triệu người. 

Thuộc nhóm những nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng Italia là một trong những nước Nam Âu chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế nước này đang trải qua cơn suy thoái dài nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau hai năm kinh tế tăng trưởng âm, tổng sản phẩm quốc nội GDP của Italia trong quý III-2013 vẫn giữ nguyên không đổi so với quý II-2013. Hệ quả là gần 30% người dân Italia đã phải chịu đựng hoặc có nguy cơ phải chịu đựng cảnh nghèo đói và bị đẩy sang bên lề của xã hội.

Nhưng giới trẻ của đất nước này là những người bị thiệt thòi nhất. Nhiều người trong số họ không thể tìm được việc làm phù hợp nên phải sống nhờ cha mẹ, hoặc buộc phải chuyển sang nước ngoài với hy vọng về một cuộc sống tốt hơn. Trung bình mỗi năm có tới 60.000 thanh niên Italia rời khỏi đất nước, và ước tính một nửa trong số 100 học giả và nhà khoa học hàng đầu của Italia đang làm việc ở nước ngoài.

Thực trạng đó đáng ngại đến mức hôm 16-12 vừa rồi, Tổng thống Italia G. Napolitano đã phải lên tiếng cảnh báo Italia có thể rơi vào bất ổn và bạo lực xã hội, trừ phi chính quyền nhanh chóng thực hiện các biện pháp cải cách để trợ giúp cho những người dân gặp khó khăn. Ông G. Napolitano nêu rõ, những người dân gặp khó khăn có thể tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính phủ và thậm chí có thể diễn ra bạo lực.

Thực tế thì không cần đến lời cảnh báo của Tổng thống 

G. Napolitano, hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối của người dân đã diễn ra trong suốt tuần qua tại nhiều thành phố ở Italia. Hoạt động phản đối chính phủ của hàng nghìn người dân Italia được châm ngòi từ việc thu nhập của người lao động bị giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp trên mức 12%, đặc biệt là trong giới trẻ. Với mức lương khởi điểm hàng tháng dưới 1.000 euro (1.250 USD) nhưng tiền thuê nhà cao kinh hoàng, họ chẳng có mấy lựa chọn.

Được coi là tương lai của đất nước nhưng giới trẻ Italia đang không có tương lai. Để giải quyết khó khăn cho họ, Tổng thống G. Napolitano kêu gọi thực hiện thêm các biện pháp cải cách mạnh mẽ, ngoài những biện pháp đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua. Ông G. Napolitano cũng đề nghị chính phủ của Thủ tướng Letta dành sự chú ý tối đa cho những người đang phải sống trong tình trạng khó khăn và nghèo đói.

Tuy nhiên, những dự báo lạc quan nhất cũng chỉ dám cho rằng kinh tế Italia đang có những dấu hiệu thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Điều đó có xảy ra không chưa ai khẳng định nhưng ngòi nổ bùng nổ xã hội thì đã hiện rõ.