Nghịch lý ở tường rào biên giới Afghanistan-Pakistan

ANTD.VN - Tường rào đang được xây dựng dọc biên giới Afghanistan-Pakistan, một trong những điểm giao cắt nguy hiểm nhất thế giới, đang khiến nhiều gia đình phải chia lìa trong khi không thể ngăn chặn những kẻ buôn lậu và khủng bố.

Bà Keramat thường xuyên đi từ nhà ở tỉnh Kunar, Afghanistan qua biên giới sang Pakistan thăm các con trai mình đang sống và làm việc tại đó. Tuy nhiên, một hàng rào đang được xây dựng để đánh dấu một biên giới giữa hai quốc gia, vốn không được chính phủ Afghanistan công nhận, đã khiến hành trình của người mẹ 55 tuổi này dài hơn rất nhiều.

Hiện giờ, mỗi lần muốn qua biên giới, bà Keramat phải mang theo hộ chiếu và cần xin thị thực. Bà phải đi đến tỉnh Nangarhar lân cận, ở đó mới có cửa khẩu sang Pakistan. Vì thế, mỗi lần thăm con, bà phải mất thêm vài tiếng đồng hồ trong khi trước đây mất chưa đầy 1 tiếng. “Các con trai tôi đã làm việc ở Pakistan hàng chục năm nay và chúng tôi thường xuyên  đến thăm nhau. Giờ thì đường xa cách trở, tôi nhớ các con các cháu lắm”, bà nói.

Nghịch lý ở tường rào biên giới Afghanistan-Pakistan ảnh 12 trẻ nhỏ tại cửa khẩu Turkham trên biên giới Afghanistan và Pakistan

Dựng tường rào để đảm bảo an ninh

Các bức tường và hàng rào biên giới phổ biến toàn cầu, nhưng có lẽ ít người nhắc đến hàng rào dọc đường Durand, biên giới giữa Afghanistan và Pakistan, được coi là một trong những điểm giao cắt quốc tế nguy hiểm nhất thế giới. Kế hoạch xây rào chắn dài 2.400km - chủ yếu chạy dọc theo địa hình núi cao vắng vẻ - đã đi vào thực hiện trong 15 năm qua nhưng công trình được tập trung hoàn thành trong 2 năm trở lại đây. “Chúng tôi đã hoàn thành 1.000km và có thể sẽ mất thêm 2 hoặc 3 năm nữa để xong nốt phần còn lại”, ông Zahid Nasrullah Khan - Đại sứ Pakistan tại Afghanistan nói.

Đường biên giới Durand được thành lập lần đầu tiên vào năm 1893, nhưng chưa bao giờ được Afghanistan công nhận. Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng vẫn căng thẳng. Hàng rào này, được làm bằng dây thép gai và thỉnh thoảng có đoạn sử dụng cả vật liệu dạng khối chống đạn, luôn có lính biên phòng Pakistan tuần tra và bảo vệ. Tuy nhiên, không chỉ chính phủ Afghanistan phản đối điều này mà tộc người Pashtun, vốn sống ở cả hai bên tường rào biên giới cũng lên tiếng phản đối. “Nó đã chia lìa gia đình chúng tôi. Chúng tôi sử dụng cùng một ngôn ngữ, chung một nền văn hóa và luôn sống cùng nhau nhưng giờ đã bị tách biệt bởi hàng rào này”, bà Keramat nói. 

Khoảng 28% dân số Pakistan và 42% dân tộc Afghanistan là người dân tộc Pashtun, đó là con số từ cuộc điều tra dân số của Afghanistan gần nhất đã cách đây 40 năm, nên ước tính tỷ lệ này hiện nay có thể đã tăng lên. Nhưng theo lời Đại sứ Zahid Nasrullah Khan, cần phải có một hàng rào đúng nghĩa để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh cũng như các hoạt động buôn lậu xuyên biên giới. “Ngày xưa tốt đẹp đã qua. Thế giới đang bị ám ảnh bởi những kẻ khủng bố”, ông Khan nói.

Vẫn không thể ngăn buôn lậu và khủng bố

Trong khi đó, người Afghanistan cáo buộc Pakistan thúc đẩy bạo lực và chiến tranh ở nước này. “Thật tuyệt nếu họ [Pakistan] kiểm soát luồng đi lại của những kẻ khủng bố, nhưng đó không phải là những gì đang xảy ra. Nó không ngăn được các chiến binh, bọn chúng vẫn tìm cách vượt qua. Pakistan đã xây tường rào, nhưng họ cho phép một số cổng không chính thức”, cảnh sát biên giới Ali Hamkar nhận định. Anh Ali Hamkar nói rằng một trong những cổng “không chính thức” nằm ở làng Sobay, thuộc huyện Durbaba của tỉnh Nangahar. 

“Mỗi đêm, Taliban băng qua biên giới ở đây cùng với hàng trăm người buôn lậu”, Jani Gul, 35 tuổi, một người buôn bán ở vùng biên giữa Tirah Bazaar của Pakistan với Afghanistan nói. Anh này sống trong một ngôi làng có nền kinh tế phụ thuộc vào kinh doanh bất hợp pháp. Jani buôn lậu đủ thứ, từ đồ điện tử đến quần áo và thỉnh thoảng đưa ma túy vào Pakistan, trong khi anh biết có người buôn vũ khí vào Afghanistan.

Hầu hết những kẻ buôn lậu băng qua vùng núi này vào ban đêm cùng những con la chất đầy hàng hóa. Giới con buôn muốn tránh thuế nhập khẩu vào Pakistan nên mặc dù hầu hết hàng hóa đến từ Trung Quốc, họ “đánh hàng” về Afghanistan rồi mới chuyển sang Pakistan để được bán với giá cao hơn. Jani nói rằng lính biên phòng ở cả hai bên đều bị mua chuộc. “Tôi trả 1.500 rupee (10 USD) cho mỗi con la để được làm ngơ mỗi khi đi qua”. 

Theo Phòng thương mại và công nghiệp chung Pakistan - Afghanistan, khoảng 20 cửa buôn lậu tồn tại dọc theo biên giới hai nước. Haji Saraf, 65 tuổi, điều hành một đường dây buôn lậu gần Sobay cho biết, nhiều người vẫn đến Pakistan không theo con đường hợp pháp, kể cả khi hàng rào được dựng lên. “Con gái tôi đã kết hôn ở sâu trong Pakistan và sử dụng cổng không chính thức là cách duy nhất tôi đến thăm nó”, ông Haji Saraf nói.