Nghị định về kinh doanh xăng dầu được sửa đổi như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương hoàn thiện, gửi Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành.
Sửa đổi nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu

Sửa đổi nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu

Theo dự thảo mới nhất dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83, Nhà nước vẫn điều hành giá trong nước để kiểm soát nguồn cung, giá bán trong nước. Thời gian điều chỉnh giữa hai đợt thay đổi giá bán lẻ được rút ngắn xuống còn 7 ngày, cố định vào thứ năm hàng tuần.

Trường hợp thứ năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên đán), lịch điều hành giá thực hiện vào ngày thứ 4 liền kề trước đó. Nếu thứ năm trùng vào ngày mùng 1, 2 hoặc 3 Tết, thì thay đổi giá vào ngày mùng 4 Tết.

Nếu trùng ngày nghỉ lễ, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh vào thứ tư liền kề. Nếu trùng các ngày nghỉ lễ còn lại, nhà chức trách sẽ điều hành vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Trường hợp giá thế giới có biến động bất thường, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng quyết định thời gian điều hành giá phù hợp.

Liên quan đến cách tính giá xăng dầu, để kịp thời cập nhật các chi phí, dự thảo Nghị định quy định, 3 tháng một lần doanh nghiệp phải gửi báo cáo tới Bộ Tài chính các chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium với nguồn mua trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng.

Việc này theo cơ quan soạn thảo nhằm giúp các cơ quan quản lý thu thập số liệu, phục vụ cập nhật, tính toán giá cơ sở xăng dầu và điều hành giá.

Ngoài ra, trước ngày 31-3 hàng năm, doanh nghiệp đầu mối phải kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu, báo cáo Bộ Tài chính và Công Thương để công bố vào ngày 1-7 hàng năm và áp dụng trong công thức tính giá cơ sở.

Dự thảo Nghị định 95 cũng bổ sung các điều kiện để “siết” quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu. Theo đó, doanh nghiệp đầu mối chọn ngân hàng để mở tài khoản theo dõi, quản lý Quỹ.

Ngân hàng phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp và tài khoản này chỉ sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Doanh nghiệp đầu mối phải gửi báo cáo kiểm toán độc lập về Quỹ bình ổn cho Bộ Tài chính, Công Thương định kỳ 6 tháng một lần.

Riêng báo cáo tình hình thực hiện Quỹ bình ổn (số dư quỹ, tổng sản lượng, chủng loại xăng dầu được trích lập, chi sử dụng quỹ, tổng số tiền trích lập và chi quỹ...) được yêu cầu gửi cơ quan quản lý trước ngày 15 hàng tháng.

Theo dự thảo này, doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ cho tối đa 3 thương nhân phân phối hoặc đầu mối kinh doanh. Đại lý bán lẻ phải nằm trong hệ thống phân phối của thương nhân phân phối hoặc đầu mối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó.

Dự thảo cũng quy định 17.000 cửa hàng bán lẻ phải sử dụng hóa đơn điện tử trong mua - bán, kết nối với cơ quan thuế nhằm tránh gian lận hóa đơn, trốn thuế. Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết về ứng dụng hóa đơn điện tử, lộ trình để các thương nhân kinh doanh xăng dầu áp dụng.

Ở lần sửa đổi này, dự thảo Nghị định không quy định chiết khấu vì cơ quan soạn thảo cho rằng, chi phí này đã được tính trong chi phí kinh doanh định mức.

Mặt khác, chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận. Đây cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần.