Nghi án doping tại SEA Games 26

ANTĐ - Nhiều VĐV nước chủ nhà, đặc biệt là trong môn điền kinh đang bị tình nghi có sử dụng các chất cấm để tăng thành tích tại SEA Games 26.

Có lẽ chưa một kỳ SEA Games nào mà nước chủ nhà lại bị phàn nàn nhiều như Indonesia. Hết việc trậm trễ trong thi công các công trình phục vụ thi đấu, các đoàn tham dự tiếp tục phải ngao ngán với cái mà nước chủ nhà gọi là “chu đáo”.

Từ dịch tiêu chảy hoành hành, đến cung cấp thiếu thực phẩm khiến nhiều VĐV các đoàn khách phải ôm bụng đói khi thi đấu hay những tiêu cực liên quan đến gian lận đến từ công tác trọng tài tại nhiều môn thi đấu. Và tất nhiên, người được hưởng lợi không ngoài các đội tuyển nước chủ nhà.

Song ngoài những yếu tố hiện hữu trên, nhiều người đang hoài nghi về việc nhiều VĐV Indonesia sử dụng doping, đặc biệt là tại những môn cần yếu tố thể lực như điền kinh, bơi lội hay những môn võ.

Tại nội dung chung kết 10.000m nam, VĐV Agus Prayogo (Indonesia) dù không được đánh giá cao song lại xuất thần bỏ xa các đối thủ và giành HCV. Đáng nói hơn, sau khi cán đích VĐV nước chủ nhà không hề có biểu hiện mệt mỏi, thở dốc... thậm chí còn chạy lùi khi cách đích chừng 100m như một cách ăn mừng khiến nhiều người thấy khó chịu.

Đương kim HCV nội dung 10.000m nam, Agus Prayogo là một trong số nhiều
VĐV chủ nhà bị nghi ngờ sử dụng doping.

Tương tự như người đồng đội, một cái tên khác của điền kinh Indonesia cũng gây hoài nghi với tấm HCV tại nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. VĐV Rini Budiarti không phải là ứng cử viên vô địch khi bước vào chung kết song lại có những bước chạy thần tốc, khiến các đối thủ phải giật mình.

Chung đường chạy với Rini Budiarti có Nguyễn Thị Phương của Việt Nam – VĐV gây xúc động cho người hâm mộ với nỗ lực nhoài, lết từng cm tới vạch đích tại nội dung 3.000m chướng ngại vật nữ.

Dễ hiểu với cảm giác tiếc nuối của Phương sau khi để vuột chiếc HCV, bởi Rini Budiarti vốn là người thua cô rất xa về thành tích ở giải vô địch châu Á mới đây. Phương thừa nhận, cô hoàn toàn bất ngờ trước sự tiến bộ về thể lực của Rini: “Không thể tưởng tượng nổi chỉ sau hơn 2 tháng, đã xuất hiện một Rini khác hoàn toàn, rất giàu thể lực và không hề mệt mỏi khi lao về đích”.

Bên cạnh những nghi án trên còn có Riduan ở cự ly 1.500m nam, Unani Sefari Anelis ở cự ly 100m nữ… đều là VĐV của nước chủ nhà Indonesia. Tất nhiên, nhiều người trong số đó đều được kiểm tra doping trước khi thi đấu và sau khi giành huy chương nhưng chẳng ai dám chắc, các bác sỹ (phần lớn là của Indonesia) sẽ công bằng khi kiểm tra các VĐV nhà như những VĐV các nước khác.

Sự thiên vị cho nước chủ nhà còn được phô bày ngay giữa “thanh thiên bạch nhật”: VĐV chủ nhà thi đấu xong, cầm HCV lên thẳng xe về khách sạn trong khi các VĐV đoạt huy chương bạc hay đồng bị hành “lên bờ xuống ruộng” với các bài kiểm tra doping ngặt nghèo, kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Rõ ràng sự ưu ái cho VĐV chủ nhà đã được thể hiện tại nhiều môn, đặc biệt là từ các trọng tài với cách cho điểm theo cảm tính, lộ liễu khiến 10 đoàn còn lại, trong đó có Việt Nam phải uất hận khi bị tước HCV một cách trắng trợn.

Điều đáng nói là sự thiên vị mọi mặt dành cho nước chủ nhà đều được mọi người biết và nếu các đoàn làm “căng”, chắc chắn sẽ hạn chế được. Song SEA Games vốn vẫn là sân chơi chẳng thể có sự công bằng tuyệt đối khi các nước chủ nhà luôn làm đủ mọi cách để thao túng, kiểm soát ngôi vị toàn đoàn.

Quốc gia nào đăng cai “hội làng” đều như thế cả, không ngoại trừ Việt Nam và những nước còn lại dù có ấm ức cũng “buộc” phải cho qua, bởi sớm muộn cũng đến lượt mình đăng cai và được hưởng “quyền sinh, quyền sát’ đó.

Tất nhiên, người ta có quyền nghi ngờ về sự đột biến về thành tích của nhiều VĐV nước chủ nhà nhưng có lẽ chỉ dừng ở mức... nghi ngời, bởi chẳng ai muốn truy đến cùng để phá vỡ cái lệ “bất thành văn” vốn luôn hiện hữu trong Hội đồng thể thao khu vực.