Ngành thuế có đang “giam” tiền hoàn thuế của doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp, chuyên gia bức xúc cho rằng ngành thuế đang “giam” tiền hoàn thuế của doanh nghiệp. Tổng cục Thuế đã lên tiếng phản hồi.

Chậm hoàn do hóa đơn đầu vào “có vấn đề”

Sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ, ngành thuế đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong vài tháng trở lại đây. Tuy nhiên, kết quả hoàn thuế vẫn khá khiêm tốn.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 71.825 tỷ đồng. Số tiền hoàn thuế 7 tháng đầu năm mới chỉ bằng 39% so với kinh phí hoàn thuế GTGT năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt và bằng 85% cùng kỳ năm 2022.

Việc chậm hoàn thuế khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc, nhất là trong bối cảnh thiếu vốn, khó khăn đủ đường như hiện nay. Tuy nhiên, trước dư luận cho rằng ngành thuế đang “giam” tiền hoàn thuế của doanh nghiệp (DN), phía ngành Thuế lại phủ nhận, cho rằng các doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế là những doanh nghiệp có nghi vấn trong sử dụng hóa đơn.

Bà Lê Thị Duyên Hải

Bà Lê Thị Duyên Hải

Theo Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải, hiện nay, với việc sử dụng cơ sở dữ liệu lớn hóa đơn điện tử (HĐĐT), qua phân tích các hoạt động mua bán hàng hóa của DN, cơ quan thuế đánh giá được rất nhanh toàn bộ các hóa đơn mua bán hàng hóa của DN hoàn thuế và các DN có liên quan theo chuỗi.

Trên cơ sở đó xác định tính tuân thủ và tin cậy của người nộp thuế (NNT) trong sử dụng hóa đơn và kê khai nộp thuế để xác định DN đó có nằm trong diện rủi ro hay không, từ đó xác định hồ sơ của NNT là hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn thuế.

Thời gian qua, một số hồ sơ kiểm tra trước hoàn của một số DN đã bị kéo dài hơn so với quy định, là do trong quá trình phân tích dữ liệu về hóa đơn, cơ quan thuế phát hiện DN có mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế của các DN đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế; có những DN đã tạm ngừng hoạt động.

Có những DN đang nằm trong diện nghi án điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có những trường hợp do cơ quan Công an thông báo cho cơ quan thuế trong quá trình điều tra các vụ án kinh tế hoặc mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Chuyển hồ sơ hàng loạt doanh nghiệp dăm gỗ sang cơ quan Công an

Đối với các DN xuất khẩu dăm gỗ, việc phải xác minh các nguồn gốc gỗ mua vào, theo đại diện Tổng cục Thuế, là một bước cần thiết để góp phần cùng các DN và các đầu mối thu gom thực hiện đúng yêu cầu về công tác kê khai để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước ngay từ khâu đầu vào.

Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì bị chậm hoàn thuế (Ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì bị chậm hoàn thuế (Ảnh minh họa)

Bà Hải cho biết, trước khi tiến hành các biện pháp xác minh, cơ quan thuế các cấp thực hiện phân tích rủi ro đối với các DN bán hàng cho DN xuất khẩu gỗ. Theo đó, trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế phân tích, đánh giá hồ sơ theo từng lô hàng để lựa chọn lô hàng có dấu hiệu bất thường thực hiện kiểm tra, xác minh chọn mẫu.

“Theo thông tin báo cáo từ Cục Thuế, sau khi xác minh hồ sơ đến đối tượng là các hộ trồng rừng, cơ quan thuế đã phát hiện trường hợp có những hộ cá nhân có tên trong hồ sơ kê khai nhưng thực tế lại không được giao đất rừng, không bán gỗ cho DN thương mại” – bà Hải lý giải vì lý do chậm hoàn thuế cho các doanh nghiệp ngành gỗ.

Về ý kiến cho rằng, cơ quan thuế đưa tất cả các DN xuất khẩu gỗ vào diện rủi ro và thực hiện “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, Tổng cục Thuế khẳng định ý kiến trên phản ánh là không đúng. Có rất nhiều DN gỗ được hoàn thuế trước trong 6 ngày và đang được ngành Thuế giải quyết theo phương thức “hoàn trước - kiểm sau”.

Từ năm 2022 đến nay, các Cục Thuế địa phương đã tiếp nhận 5.213 hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Trong đó, số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn là 4.888 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 93,7% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận.

Trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế của DN ngành gỗ, cơ quan thuế xác định 548 hồ sơ liên quan đến các DN trung gian. Kết quả là đã phát hiện 72 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT có kê khai hóa đơn của 264 DN trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động.

Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của 9 DN trực tiếp đề nghị hoàn thuế GTGT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan Công an để phối hợp điều tra, xác minh (không kể các DN trung gian bán hàng cho DN hoàn thuế nêu trên)

Đáng chú ý là qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của toàn ngành Thuế đối với các DN kinh doanh mặt hàng gỗ thì có đến hơn 7.600 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Tổng cục Thuế cho rằng đây là những dấu hiệu rủi ro đối với công tác quản lý thuế.

Kiên quyết không hoàn thuế với các hồ sơ không đủ điều kiện

Tại Hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 07/2023 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo ngành Thuế tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra chống gian lận, trốn thuế.

“Đối với công tác hoàn thuế GTGT, ngành Thuế cần tập trung giải quyết các hồ sơ hoàn thuế đảm bảo công khai minh bạch, kiên quyết không hoàn thuế đối với hồ sơ không đủ điều kiện, hồ sơ có dấu hiệu gian lận cần chuyển cho cơ quan Công an phối hợp xử lý đúng theo quy định của pháp luật.” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.