Ngân hàng “than khó” vì trần lãi suất
(ANTĐ) - Từ ngày 5-12 lãi suất cơ bản chỉ còn 10%/năm, như vậy mức trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng là 15%/năm, của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là 16,5%/năm. Việc quy định lãi suất cho vay VNĐ không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản đang khiến cho nhiều ngân hàng gặp phải khó khăn khi điều chỉnh các mức lãi suất cho vay theo thỏa thuận.
Ngân hàng định hướng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng |
Ngày 16-5-2008, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN, chính thức đưa cơ chế điều hành lãi suất theo trần. Cụ thể, từ ngày 19-5-2008, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản (như quy định tại Bộ luật Dân sự).
Nhiều ngân hàng cho rằng việc áp dụng nguyên tắc về lãi suất thỏa thuận là rất tốt. Lãi suất thỏa thuận cho phép các ngân hàng có thể đa dạng hóa sản phẩm của mình cũng như linh hoạt hơn trong việc áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng. Ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi hơn cho các lĩnh vực có hiệu quả hay cần ưu tiên và cho vay với lãi suất cao hơn ở những loại hình có nhiều rủi ro như cho vay tiêu dùng, tín chấp...
Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại đang bị giới hạn bởi mức trần. Như vậy, lãi suất cho vay bị “khống chế” bởi giới hạn thì ngân hàng không thể cho vay mức lãi suất cao hơn ở các lĩnh vực rủi ro cao. Điều này cũng khiến cho ngân hàng khó khăn hơn trong việc giảm lãi suất đối với các dự án có tiềm năng. Có thể nói hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng vẫn chưa thực hiện theo cơ chế thỏa thuận như một số đề xuất thời gian qua. Phân tích cho thấy, trần lãi suất này sẽ ngăn cản các khoản cho vay có lãi suất xác định dựa trên thống kê yếu tố rủi ro đối với người vay cao hơn mức trần này. Ngay với cho vay doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng thường có rủi ro và chi phí cao hơn nhưng vẫn chịu chung một “trần”.
Đại diện một ngân hàng nhận định, một trong những khó khăn ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp là việc áp dụng lãi suất trần đang làm giảm độ linh hoạt của ngân hàng. Các ngân hàng cần cân đối khi lãi suất không bù đắp được rủi ro, bản thân với lãi suất trần thì khách hàng đi vay nợ tốt hay nợ xấu đều bằng một lãi suất do đó không có tính chất thị trường và tính chất quản trị rủi ro. Vì thế vị đại diện của ngân hàng này cho rằng không nên áp dụng mức lãi suất trần.
Xung quanh vấn đề này, một đại diện của Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, ở chừng mực nào đó thì việc áp dụng lãi suất cao hơn cho các khoản vay tín dụng tiêu dùng cũng có lý, tuy nhiên có điều cần chú ý là tránh sao cho việc áp dụng lãi suất cao đó không biến ngân hàng thành người cho vay nặng lãi. Như vậy cần chính sách khác nhau tùy vào mức độ rủi ro của các gói dịch vụ cho vay. Việc “thả nổi” lãi suất có thể gây nhiều hậu quả khi thị trường tiền tệ chưa phát triển.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, nhiều người đang hiểu nhầm lãi suất thỏa thuận thấp hơn nhưng thực tế lãi suất thỏa thuận phải cao hơn. Hiện nay, các hoạt động tín dụng vẫn được điều hành theo lãi suất cơ bản theo pháp luật quy định. Tuy nhiên, với các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả cao được phép áp dụng cho vay với lãi suất thỏa thuận. Hiện nay, các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả cao được vay với mức ưu đãi, ví dụ như Ngân hàng đầu tư cho vay 10%/năm, Ngân hàng Nông nghiệp cho vay 10,8%/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, các ngân hàng luôn muốn cho vay lãi suất cao để có mức lãi cao (cho vay rủi ro cao thì có quyền cho vay lãi suất cao nhưng ngân hàng Trung ương quy định phải trích quỹ dự phòng rủi ro cao). Vừa qua, chúng ta tự do hóa lãi suất các ngân hàng tự do cạnh tranh muốn cho vay bao nhiêu cũng được, muốn huy động bao nhiêu cũng được, đây là hoàn cảnh của Việt Nam.
Như ở Trung Quốc, Thống đốc ngân hàng quy định lãi suất huy động chung cho cả nước, cho vay tối đa cho phép cạnh tranh nhưng vẫn khống chế mức trần. Hiện nay chúng ta vẫn có tự do cho vay cạnh tranh trong khuôn khổ, ngân hàng nhỏ rất khó khăn phải cho vay 14 - 15%, ngân hàng có vốn lớn cho vay cạnh tranh chỉ có 10%.
Cho vay rủi ro cao không cấm nhưng không được nới lỏng điều kiện tín dụng, phải tuân thủ quy định pháp luật về tín dụng. Có thể thấy thời gian vừa rồi dù không nới lỏng về tín dụng mà thị trường chứng khoán, bất động sản cũng bị “thổi” lên cao, nếu nới lỏng thì hậu quả khôn lường.
Anh Tú