Ngân hàng Nhà nước "nóng ruột", muốn sử dụng ngân sách để tăng vốn cho "big 4" ngân hàng

ANTD.VN - Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II. Vì vậy, NHNN đề xuất sửa các quy định theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã nêu nhiều khó khăn trong việc tăng vốn cho 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV). Ngân hàng Nhà nước đề xuất dùng ngân sách để tăng vốn nhằm giải quyết những khó khăn của các ngân hàng này trong bối cảnh mới.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trên cơ sở các giải pháp quy định tại Đề án 1058 và thực trạng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN chỉ đạo quyết liệt các TCTD hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.

Đến nay, năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Tính đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017.

Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.

Tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 11,81 triệu tỷ đồng tăng 6,7% so với năm 2018 và tăng 18,8% so với cuối năm 2017.

Các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các TCTD. Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 NHTM Nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.

Các NHTM Nhà nước đang gặp khó trong bài toán tăng vốn để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II

Tuy nhiên, theo NHNN việc mở rộng tín dụng của các NHTM Nhà nước đang bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và Vietinbank.

Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.

Từ thực tế hiện nay, NHNN đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước.

Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp và tham gia hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của các TCTD, đặc biệt là Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến phương án tăng vốn của các NHTM Nhà nước.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058 của Thủ tướng về phê duyệt đề án tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, NHNN đã kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu phối hợp với Bộ KH&ĐT tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để tăng vốn điều lệ cho NHTM Nhà nước.

Về phía các ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cũng cho biết, mặc dù chủ động phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2 nhưng hiện tại đã gần quy định tối đa. Nếu không được bổ sung cấp bách, những tháng đầu năm 2020, Agribank không thể tiếp tục đầu tư tín dụng cho nền kinh tế do vướng vào tỷ lệ an toàn theo Basel 2.

Ông Phạm Quang Dũng, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vietcombank kiến nghị các cơ quan quản lý tạo điều kiện cho NHTM nhà nước tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận sau thuế, thặng dư vốn cổ phần và được phát hành thêm. Có cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài, tăng giới hạn của nhà đầu tư nước ngoài.