Ngân hàng “ế” vốn, giảm lãi suất, người dân, doanh nghiệp vẫn liên tục gửi tiền vào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ tiền gửi dân cư mà tiền gửi của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng cũng càng tăng mạnh về cuối năm, trong khi ngân hàng vẫn trầy trật đẩy vốn ra thị trường.

Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2023, tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã đạt xấp xỉ 12,68 triệu tỷ đồng. Con số này đã tăng thêm gần 233.000 tỷ đồng so với cuối tháng 8.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng tiền gửi của hệ thống ngân hàng ngày càng nhanh. Trước đó, vào tháng 8, tổng tiền gửi khách hàng tăng thêm so với tháng trước hơn 147.500 tỷ đồng.

Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng rất mạnh

Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng rất mạnh

Trong số tiền gửi hệ thống ngân hàng, tiền gửi của khu vực dân cư tiếp tục duy trì đà tăng, dù mức tăng thấp hơn so với tháng trước. Theo đó, người dân đã gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 16.000 tỷ đồng, đưa lượng tiền gửi khu vực này lên mức cao nhất mọi thời đại là 6,449 triệu tỷ đồng.

Tính từ đầu năm, tiền gửi dân cư đã tăng mạnh tới 9,95%, tương ứng tăng 583.000 tỷ đồng. Trong đó, người dân tích cực gửi tiền vào ngân hàng những tháng đầu năm, khi lãi suất vẫn duy trì ở mức cao. Chẳng hạn tiền gửi dân cư trong tháng 1 đã tăng thêm tới 177.300 tỷ đồng; tăng 137.000 tỷ đồng trong tháng 2; 100.800 tỷ đồng trong tháng 3 và tăng hơn 52.000 tỷ đồng trong tháng 4.

Đối với khu vực doanh nghiệp, lượng tiền được gửi trong hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong tháng 9, với mức tăng lên tới hơn 217.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng. Trước đó, con số tăng trưởng trong tháng liền trước là 103.500 tỷ đồng.

Với con số tăng đột biến trong tháng 9, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng vọt lên hơn 6,23 triệu tỷ đồng, qua đó cũng đưa lượng tiền gửi khu vực này tăng trưởng 4,65% so với đầu năm, vượt xa con số 1% thời điểm cuối tháng 8.

Dòng tiền tiếp tục đổ vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất ngân hàng xuống rất thấp.

Đơn cử như tại Vietcombank, lãi suất cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hiện chỉ còn 5%. Chỉ trong tháng 10, ngân hàng này đã phải giảm lãi suất huy động tới 3 lần, tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này vẫn cho biết tiền gửi không ngừng gia tăng.

Trong khi tiền gửi tăng trưởng không ngừng thì tín dụng vẫn ì ạch. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tính đến cuối ngày 27/10, tín dụng toàn ngành đối với nền kinh tế mới tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Như vậy, so với mức kế hoạch đặt ra đầu năm là 14%, thì hơn hơn 3 quý ngành ngân hàng mới mới thực hiện được một nửa.

Trước tình trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục thúc ngành ngân hàng tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong công điện mới nhất gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vào ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN phải rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại.

Qua đó, theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.