- Lãi suất cho vay có thể giảm thêm nữa hay không?
- Sửa Thông tư 01: Kéo dài thời gian cơ cấu nợ, miễn giảm lãi đến hết 2021, giãn trích lập dự phòng trong 3 năm
- Chỉ số giá tiêu dùng dự báo tăng cao, ngân hàng có tăng lãi suất huy động?
“Bùng nổ” lợi nhuận
Dẫn đầu “cuộc đua” lợi nhuận trong quý đầu năm 2021 đang là 2 cái tên quen thuộc bám đuổi sát nút nhau: Vietinbank và Vietcombank.
Trong đó, Vietinbank ước tính lãi trước thuế quý I/2021 đạt khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, cao hơn 135-175% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận này chưa bao gồm khoản phí trả trước của hợp đồng bán bảo hiểm nhân thọ với Manulife (khoảng 1.600 tỷ đồng trong năm 2021).
Năm 2021, Vietinbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng 6 - 12%; nguồn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến 8 - 12%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng kiểm soát không quá 2%; lợi nhuận tăng 16 – 18%.
Dù đạt lợi nhuận cao nhất trong quý I/2021, song nhìn kỹ có thể thấy lợi nhuận những tháng đầu năm của Vietinbank có sự đóng góp của nhiều khoản thu bất thường từ năm 2020. Do đó, nhiều khả năng trong cả năm 2021, vị trí “quán quân” lợi nhuận sẽ xướng tên Vietcombank chứ không phải Vietinbank.
Cụ thể, tại Vietcombank, lợi nhuận quý I/2021 của ngân hàng này ước đạt 7.000 tỷ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, lãnh đạo Vietcombank tự tin khẳng định, mục tiêu lợi nhuận năm 2021 (25.200 tỷ đồng) là nằm trong tầm tay.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ngân hàng đang có 3 trụ cột tăng trưởng: tiền rẻ, bán lẻ và dịch vụ. Trong đó, Vietcombank đang dẫn đầu hệ thống về quy mô nguồn tiền giá rẻ, bao gồm tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tiền gửi lãi suất thấp.
Với nguồn thu dịch vụ, trong thời gian qua, Vietcombank đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, hiện chiếm tỷ trọng 26% trong tổng thu nhập của ngân hàng.
Ngoài ra, Vietcombank đang nắm giữ một tỷ lệ cổ phần tại MB và Eximbank, nếu thoái vốn tại hai nhà băng này, lợi nhuận của Vietcombank sẽ ghi nhận thêm hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là khoản lợi nhuận không nhỏ thu về từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với FWD.
Một ngân hàng khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý I đầy khả quan là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ngân hàng này cho hay, tính đến cuối tháng 3/2021, tổng tài sản ACB đạt 447.000 tỷ tỷ đồng; tín dụng đạt 311.000 tỷ đồng tăng hơn 4%; huy động đạt 352 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận quý I là 3.100 tỷ đồng.
ACB cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tổng tài sản tăng 10% tiền gửi khách hàng và tín dụng đều tăng 9%; lợi nhuận trước thuế khoảng 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế dự kiến là 8.482 tỷ đồng…
Đối với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), ước lãi quý I gần 4.600 tỷ đồng. Trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021, ngân hàng đặt kế hoạch cả năm tổng tài sản tăng 11%; dư nợ tín dụng tăng khoảng 10-11%; lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 20% lên khoảng 13.200 tỷ đồng.
Tăng trưởng lợi nhuận những tháng đầu năm 2021 của các ngân hàng khá ấn tượng |
Nhiều ngân hàng khác cũng công bố những con số lợi nhuận quý I khả quan hơn nhiều so với cùng kỳ. Chẳng hạn SeABank đạt 698,3 tỷ đồng trước thuế, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; mục tiêu cả năm là 2.414 tỷ đồng (lãi sau thuế khoảng 1.931 tỷ đồng).
MSB quý I ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu lợi nhuận đưa ra năm 2021 của MSB tăng 30% so với năm rồi…
Lạc quan trong cả năm 2021
Nhiều ngân hàng khác cũng kỳ vọng lợi nhuận năm 2021 tăng mạnh. Như Techcombank đặt mục tiêu gần 20.000 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020; VPBank cũng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 26,1% và nằm trong top 4 ngân hàng TMCP có lợi nhuận cao nhất hệ thống.
Cùng với đó, 2 ông lớn quốc doanh là Agribank và BIDV cũng đưa ra những con số đầy khả quan. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Agribank là trên 14.000 tỷ đồng, tăng 10%; BIDV là 13.000 tỷ đồng, tăng 40%.
Trong báo cáo cập nhật tăng trưởng ngành ngân hàng quý I/2021, Công ty Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý I của nhóm ngân hàng được nghiên cứu tăng khoảng 55 - 65% so với cùng kỳ.
Trong đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh có khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa, khoảng 75 - 85%; còn các ngân hàng TMCP tư nhân đạt khoảng 45 - 55% so với cùng kỳ.
Dự báo cả năm 2021, SSI cho rằng, lợi nhuận trước thuế ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 24% so với năm 2020, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng 15%, chi phí tín dụng giảm 0,22%.
Trong khi đó, FiinGroup dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của 12 ngân hàng niêm yết sẽ ở mức 18,2% (cao hơn năm 2020 là 14,9%)...
Trong đó, các ngân hàng được dự báo có lợi nhuận tăng mạnh bao gồm Vietcombank (+14,9%), BIDV (+41,3%), và VietinBank (+41,9%).
Theo FiinGroup, triển vọng tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng và doanh thu dịch vụ, trong đó đặc biệt là thu nhập bán chéo bảo hiểm của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn như: Vietcombank, VietinBank, ACB, MSB và HDBank.