Ngân hàng chưa chú trọng hệ thống cảnh báo sớm

ANTĐ - Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nguy cơ rủi ro trong hoạt động kinh doanh nói chung và ngân hàng nói riêng ngày càng gia tăng. Đây là nhận định vừa đuợc bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Hệ thống bảo vệ an ninh ngân hàng”.

Các ngân hàng đã không ngừng tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh

Từ thực tế hoạt động cũng như nghiên cứu, bà Trần Thị Hồng Hạnh chỉ ra: “Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, nguy cơ rủi ro trong hoạt động kinh doanh nói chung và ngân hàng nói riêng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, nguy cơ càng tăng nhanh hơn nữa khi khoa học kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động ngân hàng ngày càng mở rộng cả về quy mô và phạm vi hoạt động. Dù các ngân hàng không ngừng tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển”.

Trong khi các loại tội phạm đe dọa an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng như các trộm cướp, gian lận, hủy hoại tài sản ngân hàng… ngày càng gia tăng, ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ nhiều phía do đặc thù hoạt động. Vì vậy, để tồn tại và phát triển, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường hệ thống bảo vệ an ninh.

“Việc ứng dụng hệ thống an ninh trong ngân hàng sẽ tạo điều kiện cảnh báo sớm rủi ro, ứng phó kịp thời với các sự cố, trên cơ sở đó phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng có hiệu quả, chất lượng, giảm thiểu rủi ro mất an toàn, góp phần củng cố lòng tin của khách hàng sử dụng dịch vụ”, bà Trần Thị Hồng Hạnh phân tích.

Cung cấp thêm thông tin trong lĩnh vực an ninh ngân hàng, ông Trần Trọng Vinh - Chủ tịch Hiệp hội An ninh chuyên nghiệp châu Á – chi hội Việt Nam cho biết: “Xu thế của thế giới là phát triển các sản phẩm phần mềm cảnh báo từ vòng ngoài, trong khi đó ở Việt Nam, các ngân hàng mới thiết kế hệ thống đảm bảo tại chỗ mà chưa chú ý bảo vệ vòng ngoài. Các hệ thống ngân hàng cũng chưa chú trọng sử dụng công nghệ cảnh báo sớm”.

Thực tế hoạt động ngân hàng cho thấy, nhiều ngân hàng bỏ không ít tiền của đầu tư vào hệ thống bảo mật thông tin, chống phá hoại bằng công nghệ cao nhưng lại chưa chú trọng tới hệ thống cảnh báo sớm. Ví dụ như năm 2010, tại một ngân hàng trên đường Đê La Thành, tên cướp bịt mặt đã lợi dụng thời điểm nghỉ trưa, không có khách hàng giao dịch để dùng súng uy hiếp các giao dịch viên cướp đi hơn 90 triệu đồng sau đó trốn thoát.

Các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh ngân hàng cho rằng, các thiết bị phục vụ cho hệ thống giám sát khu vực sảnh tiếp khách hàng, hệ thống giám sát cửa ra vào, phần mềm quản lý trung tâm sẽ giúp cho người vận hành, quản lý trong trường hợp có các sự kiện xảy ra như phá hoại, đột nhập. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát tối ưu mà các ngân hàng cần trang bị bao gồm hệ thống giám sát quầy giao dịch sử dụng máy quay độ phân giải cao tích hợp công nghệ phân tích hình ảnh thông minh và nhận diện khuôn mặt cho phép đưa ra các cảnh báo kịp thời....

“Các ngân hàng cần thường xuyên cập nhật sản phẩm, công nghệ và giải pháp mới để tăng cường hoạt động bảo vệ an ninh ngân hàng, bảo vệ uy tín của mình cũng như quyền lợi của khách hàng”, các chuyên gia khuyến cáo.