Ngân hàng 6 tháng đầu năm: Lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng, dự phòng hao hụt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Độ trễ của những khó khăn do dịch Covid-19 đối với ngành ngân hàng dường như đã rơi vào quý II/2023 khi đồng loạt các ngân hàng công bố sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, trong khi nợ xấu có xu hướng tăng.

Lợi nhuận sụt giảm

Đến thời điểm này, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng Bản Việt là 2 ngân hàng có mức sụt giảm lợi nhuận lớn nhất.

Trong quý II, lợi nhuận trước thuế nhà ABBank chỉ đạt 67 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm, ABBank ghi nhận 679 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 59% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận ABBank sụt giảm là do nợ xấu tăng dẫn tới Ngân hàng phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh (nợ xấu ABBank tăng 61,5% so với đầu năm, lên mức hơn 3.800 tỷ đồng).

Tương tự, BVBank ghi nhận lợi nhuận giảm tới 92% trong quý II và giảm tới 89% trong 6 tháng đầu năm, chỉ đạt 13 tỷ đồng.

VPBank trong quý II cũng chứng kiến lợi nhuận trước thuế sụt giảm 11% và giảm 48% trong nửa đầu năm, còn gần 8.000 tỷ đồng. Hay LPBank quý cũng giảm lãi tới 51%, còn 880 tỷ đồng và tính chung 6 tháng cũng giảm tới 32%, còn 2.446 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm

Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm

Tại TPBank, trong quý II/2023, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.618 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà băng này ghi nhận gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn 11% so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

BacABank trong quý II/2023 cũng chứng kiến sự sụt giảm 25% lợi nhuận so cùng kỳ, đạt 139 tỷ đồng trước thuế. Tuy nhiên, nhờ quý I/2023 có kết quả tích cực, nên lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà băng này vẫn có sự tăng trưởng lợi nhuận 11%, đạt 474 tỷ đồng.

Một ngân hàng lớn khác cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm là Techcombank, với mức giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II này, còn gần 5.650 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Techcombank đạt 11.272 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 20% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm như SeABank giảm 28%; Eximbank giảm 26%; VietABank giảm 7,5%...

Theo thống kê, tính đến thời điểm này, trong số 24 ngân hàng công kết quả kinh doanh thì có một nửa, tức 12 nhà băng tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm.

Các ngân hàng khác, tăng trưởng lợi nhuận cũng ở mức khiêm tốn hơn nhiều so với năm ngoái. Trong đó, tích cực nhất là Sacombank với mức tăng 64%; OCB tăng trên 47%, PG Bank 24%; MSB chỉ tăng 6% và Saigonbank cũng chỉ tăng 4%...

Nhóm big4, hết 6 tháng, các ngân hàng đều có lãi. Trong đó, Vietcombank tăng trưởng lợi nhuận 18%, BIDV tăng 26%; VietinBank 8%...

Việc lợi nhuận các ngân hàng sụt giảm nằm trong dự báo của nhiều tổ chức trước đó. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS trong báo cáo mới đây đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 12% trong năm 2023 và lợi nhuận trước thuế dự báo cũng tăng chậm lại, với tốc độ tăng chỉ đạt khoảng 10%.

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng ước tính lợi nhuận trung bình của nhóm ngân hàng nghiên cứu chỉ tăng khoảng 12 - 15% trong năm 2023.

Nợ xấu tăng, dự phòng rủi ro thu hẹp

Đáng chú ý, các nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng lại chủ yếu đến từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Đơn cử như tại Saigonbank, Ngân hàng này đã giảm hơn một nửa chi phí dự phòng, từ mức 181 tỷ đồng xuống còn hơn 85 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản chi phí này, Saigonbank cũng sẽ chung cảnh ngộ giảm lãi như các nhà băng khác.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh so với trước. Nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Tương tự, động lực tăng trưởng lợi nhuận của PGBank trong 6 tháng đầu năm cũng chủ yếu đến từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro (giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng này ghi nhận vỏn vẹn gần 32 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng thêm trong quý II thì có tới 26 tỷ đồng đến từ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Tại BacABank, Ngân hàng cũng đã giảm hơn 55% chi phí dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm, là nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận tăng.

Một số ngân hàng tầm trung cũng mạnh tay cắt giảm dự phòng rủi ro, tuy nhiên không giúp lợi nhuận tăng trưởng dương. Có thể kể đến như LPBank, trong 6 tháng cũng đã giảm hơn 20% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Hay TPBank cũng đã cắt giảm hơn một nửa chi phí này, từ mức hơn 1.400 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2022 xuống còn 683 tỷ đồng. Nếu không cắt giảm, lợi nhuận TPBank còn gấp đôi con số -11%.

Việc giảm trích lập dự phòng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của các ngân hàng trên giảm mạnh. Chẳng hạn Bac A Bank giảm từ mức hơn 204% tại thời điểm cuối năm ngoái xuống còn 158%; LPBank giảm từ 142% xuống 78%; TPBank giảm từ 135% xuống còn 61%; Saigonbank giảm từ 47% xuống 44%; PGBank giảm từ 38% xuống 36%...

Trong bối cảnh nợ xấu tăng nhanh chóng, việc “bộ đệm” dự phòng nợ xấu suy giảm đặt ra lo lắng về khả năng chống chịu rủi ro của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.