"Ngấm đòn" Covid-19, nhiều ngân hàng báo lỗ trong quý IV

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kết quả kinh doanh của khối ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ cho thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ, không ít ngân hàng ghi nhận lỗ trong quý IV/2021.

NCB lỗ kỷ lục hơn 200 tỷ đồng

Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV tính đến thời điểm này, Ngân hàng Quốc dân (NCB) có kết quả kinh doanh kém khả quan nhất trong quý IV với lợi nhuận trước thuế âm tới 203,2 tỷ đồng.

Con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 là (âm 24,8 tỷ đồng) và cũng là khoản lỗ kỷ lục tính trong 1 quý của ngân hàng này.

Trước đó, trong quý III, NCB vẫn báo lãi trước thuế gần 80 tỷ đồng, và tính chung 9 tháng đầu năm đạt 205 tỷ đồng lợi nhuận.

Việc lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý IV khiến kết quả kinh doanh cả năm của ngân hàng kém khả quan, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng.

Nguyên nhân Ngân hàng báo lỗ trong quý cuối cùng của năm là do thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, sụt giảm mạnh 71,6% so với cùng kỳ xuống còn hơn 171 tỷ đồng (trong quý III, thu nhập lãi thuần vẫn tăng 30,9%).

Cùng với đó, do nợ xấu tăng mạnh, ngân hàng cũng đã phải tăng gấp 10 lần chi phí trích lập dự phòng riêng trong quý IV/2021so với cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ mức 1,51% cuối năm ngoái lên khoảng 3%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tính đến cuối năm là hơn 603 tỷ đồng, tăng gấp gần 11 lần so với mức trên 55,8 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái.

Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng hơn gấp đôi, lên trên 181,5 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn không có nhiều biến động, ở mức gần 465 tỷ đồng.

NCB là ngân hàng có khoản lỗ trong quý IV lớn nhất hệ thống tính đến thời điểm này

NCB là ngân hàng có khoản lỗ trong quý IV lớn nhất hệ thống tính đến thời điểm này

Nhiều ngân hàng đã “ngấm đòn” Covid-19

Không chỉ NCB, một số nhà băng khác cũng báo lỗ trong quý IV. Trong đó, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) ghi nhận khoản lỗ trước thuế là 74 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2021.

Theo báo cáo tài chính của ngân hàng, trong quý IV, chi phí hoạt động tăng 33,9%; cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 33,6%, với tổng giá trị lên đến 474 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân đóng góp không nhỏ khiến kết quả kinh doanh của ngân hàng sụt giảm.

Thêm vào đó, lãi thuần hoạt động đầu tư chứng khoán quý IV của ngân hàng cũng giảm mạnh 92,3% từ 40 tỷ đồng xuống chỉ còn 3,1 tỷ đồng. Ngân hàng cũng báo lỗ ở hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Dù vậy, nhờ lợi nhuận 3 quý đầu năm tăng trưởng tốt cũng đã giúp lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 của VietCapital Bank vẫn tăng 54,6% so với cùng kỳ, đạt hơn 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch năm.

Cũng trong quý IV/2021, một ngân hàng khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank). Cụ thể, trong quý IV, Saigonbank ghi nhận lỗ trước thuế hơn 40 tỷ đồng. Trước đó, trong quý IV năm 2020, Ngân hàng này cũng báo lỗ 56 tỷ đồng.

Đóng góp chính vào khoản lỗ của Saigonbank là sự sụt giảm của thu nhập lãi thuần với mức giảm 5,9% so với cùng kỳ, xuống còn 136 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của nhà băng này cũng giảm lần lượt 40% và 15%.

Trong quý IV, khoản thu nhập đột biến của Saigonbank được ghi nhận đến từ góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng với mức tăng gần 107 tỷ đồng, gấp 89 lần cùng kỳ 2020. Khoản thu nhập này có thể đến từ khoản thoái vốn 8,26 triệu cổ phiếu BVB của Viet Capital Bank trong đầu tháng 11.

Tuy nhiên, do chi phí hoạt động của Saigonbank tăng gần gấp đôi trong quý IV lên 213 tỷ đồng và cả năm lên 574 tỷ đồng (tăng 22,4% so cùng kỳ năm 2021), sau khi trừ 113 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, Saigonbank lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý IV/2021.

Dù vậy, lũy kế cả năm, ngân hàng vẫn lãi trước thuế 154 tỷ đồng nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu nội bảng của Saigonbank cũng ghi nhận mức tăng gần 46% lên 325 tỷ đồng so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,44% lên mức 1,97%.

Trước đó, theo kết quả điều tra thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước, hầu các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh trong quý IV/2021 có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý trước.

Dự báo trong quý I/2022, 49,5% TCTD tiếp tục kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý IV; 42,6% TCTD kỳ vọng không đổi và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.

Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận giảm.