Nga trình Dự thảo nghị quyết về Syria: Động thái bất ngờ

ANTĐ - Trước những diễn biến ngày càng căng thẳng tại Syria, ngày 15-12 Nga đã gây bất  ngờ cho các cường quốc phương Tây khi đề xuất một bản dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng ở Syria.

Những cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Assad vấn không ngừng diễn ra

Trong Dự thảo nghị quyết được trình lên trước 14 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Matxcơva đã lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực của “tất cả các bên tại Syria, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực không phù hợp của chính quyền Damacus”. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, ông Vitaly Churkin phát biểu trước báo giới cho biết, Nga không cho rằng các bên ở Syria phải chịu trách nhiệm ngang nhau về bạo lực, nhưng yêu cầu các bên chấm dứt bạo lực. Bản dự thảo nghị quyết không nhắc đến các lệnh trừng phạt - điều mà Nga luôn phản đối áp dụng với Syria từ trước tới nay, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình trạng nước ngoài cung cấp trái phép vũ khí cho các nhóm vũ trang gây bất ổn tại Syria.

Đại sứ Nga nhấn mạnh bản dự thảo nghị quyết “mạnh hơn đáng kể” những dự thảo trước đó với mối quan tâm về tình hình bạo lực, về sự cần thiết phải ủng hộ quyền con người và xúc tiến việc cải cách. Bản dự thảo cũng sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Liên đoàn Arập rằng Nga khuyến khích họ tiếp tục nỗ lực để hợp tác với chính phủ Syria, thực hiện kế hoạch triển khai những nhiệm vụ giám sát ở nước này.

Các quan chức phương Tây hoan nghênh động thái trên của Nga. Tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết bản dự thảo có một số vấn đề mà bà không thể ủng hộ nhưng “hy vọng có thể hợp tác với người Nga khi lần đầu tiên họ nhận ra vấn đề này cần phải đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ”.

Ngày 15-12, một nhóm tự xưng là đại diện đa số các lực lượng đối lập ở Syria đã tuyên bố thành lập Liên minh dân tộc với mục đích lật đổ chế độ hiện nay của Tổng thống Bashar Al Assad. “Chế độ của ông Assad đã sát hại, làm bị thương, bắt giữ, tra tấn hàng chục nghìn người, do đó, các nhóm chính trị và cách mạng ở bên trong lãnh thổ Syria đã tìm cách để thống nhất dưới một tổ chức có tên Al Leqaa, hay còn gọi là Liên minh để lật đổ chế độ. Bây giờ là thời cơ chín muồi để chúng tôi công khai sự tồn tại của mình” - thủ lĩnh phong trào Al Leqaa, ông Mohammed Bessam Imadi, cựu đại sứ Syria tại Thụy Điển phát biểu tại cuộc họp báo ở Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Imadi tuyên bố, Al-Leequa sẽ ủng hộ quân đội giải phóng Syria (FSA) - nhóm binh sĩ đào ngũ có vũ trang chống lại lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar Al-Assad.

Trong khi đó, các cuộc bạo động gây chết người vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên lãnh thổ Syria. Theo các tổ chức giám sát nhân quyền tại Syria, ngày 15-12, 27 binh sĩ đã bị các tay súng đào ngũ sát hại tại thành phố Dearra miền Nam nước này. Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, 5.000 thường dân Libya đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến làn sóng biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Assad từ đầu năm 2011. Tuy nhiên, ông Assad đã phủ nhận mọi cáo buộc ra lệnh giết hại người biểu tình và nói rằng các tay súng đã giết chết 1.100 nhân viên an ninh.