Nga sẽ tôn trọng tất cả các hiệp định với Ukraine nếu…

ANTĐ - Ngày 24-02, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố tất cả các thỏa thuận mà Nga đã ký với Ukraine sẽ được tôn trọng. 

Tại cuộc họp báo ở Sochi, ông nhấn mạnh "các hiệp định có tính ràng buộc pháp lý giữa Nga và Ukraina đều cần được thực hiện". Thủ tướng Nga khẳng định, Nga và Ukraine không hợp tác ở cấp độ “các nhân vật hay cá nhân riêng lẻ”, mà là trên cơ sở "mối quan hệ giữa các quốc gia".

Tuy nhiên, Thủ tướng Medvedev cũng lưu ý đến động thái chưa từng có của Moscow là triệu tập Đại sứ Nga tại Kiev về nước tham vấn. Ông nhấn mạnh rằng, việc làm này chứng tỏ Nga đặc biệt quan ngại trước tình hình ngày càng xấu đi ở Ukraine.

Thủ tướng Medvedev nói, động thái như vậy có nghĩa là "chúng tôi không hiểu rõ những gì đang diễn ra, không biết được những mối nguy hiểm đang hiện hữu, đe dọa lợi ích của quốc gia, xâm hại đến sinh mạng và sức khỏe của công dân Nga".

Sau các cuộc đụng độ tại Kiev vào tuần trước, chính quyền trong cả nước đã về tay quốc hội đối đầu với Tổng thống Viktor Yanukovych. Ngày 22-04, quốc hội Ukraine thông qua quyết định tước quyền tổng thống của ông Yanukovych, đến hôm 24-02, tiếp tục ban lệnh truy nã ông này.

Nga sẽ tôn trọng tất cả các hiệp định với Ukraine nếu… ảnh 1

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev


Tuy Thủ tướng Medvedev tuyên bố như vậy, nhưng mọi việc hẳn sẽ không đơn giản. Đơn cử ví dụ như hôm 23-02, Bộ trưởng Tài chính Liên bang nga Anton Siluanov cho biết, Nga sẽ ra quyết định về việc phân bổ đợt hỗ trợ tài chính tiếp theo cho Ukraine chỉ sau khi chính phủ mới được thành lập ở Kiev.

Trước đây, Moscow có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Kiev trong thương vụ mua 2 tỷ đồng trái phiếu châu Âu (eurobond) của Ukraine vào tuần trước. Tuy nhiên, sau khi tình hình ở Ukraine xấu đi, Bộ trưởng Siluanov đã tuyên bố tạm đình chỉ kế hoạch này vì Nga phải đợi việc hình thành chính phủ mới và “tìm hiểu về chính sách của chính phủ này, căn cứ vào đó mới đưa ra quyết định”.

Tổng thống Yanukovych là một đồng minh thân cận của Nga nên việc ông này bị phế truất chắc chắn làm Nga rất tức giận. Bất cứ ai trong số các thủ lĩnh chính trị đối lập thân phương Tây lên nắm quyền sẽ là một đòn mạnh giáng vào bức thành lũy Ukraine-Belarus Nga đã dày công xây dựng chống sự bành trướng sang hướng đông của NATO.

Bất cứ quốc gia nào cũng nhắm đến những lợi ích của mình khi hỗ trợ cho các nước khác Vì vậy, nếu chính phủ tương lai của Ukraine có những động thái ngả sang, thậm chí là gia nhập vào EU thì rất có thể những thỏa thuận đã đạt được trước đây sẽ bị hủy bỏ.