Nga sẽ thay thế hệ thống định vị toàn cầu

ANTĐ - Nga đang đi những bước cụ thể nhằm sớm thay thế hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ bằng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS do nước này phát triển.

Mô hình thống vệ tinh định vị toàn cầu GLONASS của Nga

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin ngày 1-6 cho biết, nước này đã bắt đầu khóa các chức năng quân sự của các trạm nằm trong Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ được đặt trên lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cũng xác nhận các biện pháp trên đã được triển khai từ ngày 1-6.

Trước động thái trên, Phó Thủ tướng Rogozin, người giám sát sự phát triển ngành công nghiệp vũ trụ Nga, đã lên tiếng cảnh báo từ ngày 14-5 rằng hoạt động của các trạm GPS của   Mỹ có thể bị ngừng nếu      Washington từ chối cho Nga đặt các trạm Glonass mặt đất trên lãnh thổ Mỹ. Nga và Mỹ từ 2 năm nay đã tiến hành đàm phán về việc Matxcơva bố trí ở Mỹ 8 trạm trong hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GLONASS do Nga phát triển.

Tuy nhiên, theo tờ “Thời báo New York”, cả Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Lầu Năm Góc đã cùng thuyết phục Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ không cấp giấy phép để Roscosmos bố trí trên lãnh thổ Mỹ các trạm phát tín hiệu của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS. CIA và Lầu Năm Góc lo ngại, việc đặt các trạm GLONASS trên đất Mỹ sẽ tạo điều kiện giúp Matxcơva “tăng độ chính xác của các tên lửa” cũng như có thể sử dụng chúng “để tiến hành hoạt động tình báo trực tiếp trên lãnh thổ Mỹ”.

Theo giới quan sát, sự bế tắc trong đàm phán nhằm đặt các trạm GLONASS trên đất Mỹ chỉ là lý do công khai để    Matxcơva khóa chức năng quân sự của các trạm GPS của Mỹ trên đất Nga. Nguyên nhân sâu xa, theo họ, chính là việc Nga muốn tiến tới chấm dứt hoạt động của các trạm GPS của Mỹ trên lãnh thổ nước này, đồng thời triển khai hoạt động của hệ thống định vị toàn cầu GLONASS hoàn toàn do Nga phát triển và chế tạo để tránh phụ thuộc vào hệ thống định vị của người Mỹ.

Cho tới hiện nay, GPS là hệ thống định vị toàn cầu duy nhất đã được lắp đặt hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hệ thống này có một số khiếm khuyết như hoạt động không tốt ở nhiều vùng thuộc bán cầu bắc và không thể định vị ở Bắc Cực do 45% diện tích lãnh thổ Nga thuộc Bắc Cực và điều quan trọng nhất là hệ thống này do Mỹ phát triển, chế tạo.

Nhằm tránh phụ thuộc vào Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang phát triển hệ thống định vị toàn cầu Galileo có độ chính xác 15-35 m, tức là tương đương với hệ thống GPS hiện tại. Sớm hơn EU khá nhiều, Nga đã phát triển GLONASS từ những năm 80 của thế kỷ 20 gồm 24 vệ tinh hoạt động, cho phép xác định vị trí và tốc độ chuyển động của các phương tiện đường bộ, đường biển và đường hàng không với độ chính xác đến 5 m hiện nay và giảm xuống còn1 m vào năm 2015. Trong 10 năm qua, Nga đã đầu tư hơn 2 tỷ USD cho dự án phát triển GLONASS. 

Không chỉ Nga mà nhiều quốc gia coi GLONASS là sự thay thế hoàn hảo của GPS. Các nước Belarus, Ấn Độ, Kazakhstan và Canada đã ký thỏa thuận sử dụng GLONASS, còn các nước châu Mỹ Latinh và Arab cũng thể hiện sự quan tâm tới hệ thống này. EU đang soạn thảo thỏa thuận hợp tác về hệ thống định vị này với Nga. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng GPS và GLONASS không phải là đối thủ mà có thể hỗ trợ lẫn nhau khi vài năm tới, một khách hàng có thể sử dụng hai hệ thống định vị này cùng lúc.