Nga - Đức nhất trí khôi phục tiến trình chính trị về Syria

ANTD.VN - Điện Kremlin cho hay, trong cuộc điện đàm ngày 17-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận về tình hình Syria. Theo thông báo của Matxcơva sau cuộc điện đàm, cả hai nước đều nhất trí khôi phục tiến trình chính trị về Syria, bao gồm các cuộc thảo luận tại diễn đàn Geneva và Astana. 

Nga - Đức nhất trí khôi phục tiến trình chính trị về Syria ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel

Đức gợi ý làm vai trò trung gian

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định, cuộc không kích mới nhất do Mỹ, Anh và Pháp tiến hành tại Syria là một hành động gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế. Cũng trong ngày 17-4, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng nước này có vai trò trung gian đặc biệt cho phép Berlin giữ cho cánh cửa đối thoại luôn mở với Nga về cuộc khủng hoảng Syria.

Trong cuộc họp báo cùng người đồng cấp Canada Chrystia Freeland tại Berlin, ông Maas cho hay, tiến trình hòa bình đang bế tắc tại Syria sẽ được thảo luận tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Toronto diễn ra vào cuối tuần này. Cho rằng mối quan hệ truyền thống thân thiết của Đức với Nga có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này, Ngoại trưởng Heiko Maas nói: “Chúng ta phải tận dụng thời điểm này để đưa tiến trình chính trị Syria hoạt động trở lại. Chúng ta cũng cần Nga cho cuộc đối thoại này”.

Liên quan đến tình hình Syria, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây nói rằng, sự tin tưởng cuối cùng của Nga với Mỹ đang dần bị đánh mất. Trong một buổi trò chuyện với đài BBC hôm 16-4, khi người dẫn kỳ cựu Stephen Sackur hỏi ông Lavrov về tuyên bố “Nước Nga không còn niềm tin với Mỹ”, Ngoại trưởng Nga nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đang mất đi sự tin tưởng cuối cùng còn sót lại, nhưng chưa hẳn bằng không”. Theo ông Lavrov, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức tồi tệ hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh. “Khi đó còn có những kênh giao tiếp và không có thứ gọi là nỗi ám ảnh nước Nga. Hiện tại, số kênh liên lạc giữa Nga và Mỹ cũng như các nước phương Tây đã sụt giảm đáng kể. Thay vào đó, Matxcơva và Washington chỉ còn những kênh giảm nhiệt căng thẳng quân sự”, ông Lavrov lý giải.

Khó xảy ra đụng độ Nga - Mỹ tại Syria

Khi được hỏi liệu có khả năng đụng độ quân sự giữa Nga và Mỹ hay không, sau các cuộc tấn công tên lửa mới đây của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria, ông Lavrov nói: “Tôi nghĩ vẫn còn xa lắm. Tôi tin rằng đó là tình huống tạo ra bởi hành vi liều lĩnh của các đồng nghiệp phương Tây, những người buộc tội Chính phủ Syria và chúng tôi (với tư cách đồng minh) sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường mà không chờ Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) điều tra”. Theo ông Lavrov, không có bằng chứng nào cho thấy vũ khí hóa học được sử dụng hôm 7-4 vừa qua ở thị trấn Douma của Syria. Những thứ gọi là bằng chứng về tội lỗi của Chính phủ Syria do các lãnh đạo phương Tây cung cấp đều dựa vào những bản tin truyền thông và mạng xã hội. 

Trong khi đó, hãng RT ngày 17-4 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, mục tiêu thực sự của cuộc không kích do Mỹ đứng đầu nhằm vào Syria là các sân bay quân sự, chứ không phải các trung tâm nghiên cứu. “Tất cả các tên lửa của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào sân bay quân sự Duvali, Dumayr, Blai và Shayrat đều bị đánh chặn bởi quân đội Syria. Sân bay Homs bị trúng 3 trong số 13 tên lửa của liên quân và 5 trong số 9 tên lửa bị bắn hạ trước khi tới căn cứ không quân Mezzeh”, ông Konashenkov nói.

Theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, Mỹ và đồng minh cũng phóng 30 tên lửa nhằm vào trung tâm nghiên cứu Barzah và Jaramani, nhưng 4 tên lửa trong số này bị hệ thống phòng không Syria đánh chặn. Hệ thống phòng không Syria đã phóng 112 tên lửa đất đối không để bắn hạ phần lớn trong số hơn 100 tên lửa do liên quân Anh-Mỹ-Pháp phóng vào Syria. Những thông tin trên được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra cùng ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng, tất cả tên lửa của liên quân phóng vào Syria đều trúng mục tiêu, và không tên lửa nào bị đánh chặn. 

Theo Sputnik, trong một chương trình truyền hình phát sóng ngày 14-4, Tướng Sergei Rudskoi, lãnh đạo Cục Tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, cho biết Matxcơva đang cân nhắc về việc cung cấp hệ thống phòng thủ S-300 cho Syria. Vài năm trước, Nga từng từ chối chuyển tổ hợp này qua Syria vì “yêu cầu có tính cấp thiết từ các đối tác phương Tây”. Tuy nhiên, ông Rudskoi nói rằng Nga có thể quay lại xem xét vấn đề này sau vụ không khích của Mỹ và đồng minh.