Nga đe sẽ “phá xiềng” hạt nhân nếu Mỹ vẫn triển khai NMD

ANTĐ - Hiện nay, luận điểm về "mối đe dọa từ phương Đông" hồi phục tại một số nước NATO khiến Matxcơva phẫn nộ và đe dọa sẽ rút lui khỏi “Hiệp ước về vũ khí tấn công chiến lược”, nếu Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. 

Đó là tuyên bố hôm thứ Bảy của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị An ninh Munich. Theo lời ông, sự việc không chỉ giới hạn ở những lời nói. Người ta đang tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên biên giới phía đông của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, tiến hành những cuộc tập trận theo kịch bản trong Chương V của Hiệp ước Washington về thành lập NATO, trong đó dự trù phòng thủ tập thể.

Theo lời Bộ trưởng Lavrov, phép thử về sự sẵn sàng xây dựng hệ thống an ninh bình đẳng Euro-Atlantic đối với tất cả chính là tình hình xung quanh kế hoạch triển khai phân đoạn châu Âu trong hệ thống NMD toàn cầu của Mỹ. Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran cho phép ít nhất là đóng băng việc tạo lập hệ phòng thủ tên lửa châu Âu.

"Người ta đơn giản là dỗ ngọt chúng tôi cứ yên chí tin lời, rằng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu không hề đe dọa Nga, mặc dù có nhiều đánh giá đủ cơ sở và hợp lý của các chuyên viên Nga, châu Âu và Mỹ chứng tỏ ngược lại", ông Lavrov bày tỏ sự lo ngại về chính sách châu Âu nhằm chống lại Nga.

Quan điểm này của ông Lavrov được chính một trong những quan chức hàng đầu của châu Âu đồng tình ủng hộ. “Chính sách của châu Âu nhằm chống lại Nga sẽ không có tương lai” - đó chính là nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier khi ông phát biểu từ diễn đàn Hội nghị An ninh Munich lần thứ 50.

 

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga


"Chúng ta là nhân chứng nhân của thực tế là chỉ cùng với Nga chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề Iran và vận chuyển vũ khí hóa học Syria và chúng ta cần phải tìm thấy những điểm chung với Nga" - ông Bộ trưởng nói, sau khi chỉ ra rằng đồng thời “cả Matxcơva cũng cần chính thức tạo lập những điểm tiếp xúc với châu Âu”.

Vừa qua, Nga đã có những động thái bày tỏ sự không hài lòng về chiến lược bành trướng sang hướng đông của NATO đồng thời với kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Vì vậy, Nga cũng đe dọa là có thể sẽ rút khỏi “Hiệp ước về vũ khí tấn công chiến lược”, nếu Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ông Mikhail Ulyanov - Giám đốc Cục an ninh và giải trừ vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: "Không thể không lo ngại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mở rộng tiềm năng phòng thủ tên lửa mà không xét đến lợi ích và quan ngại của Nga. Chính sách như vậy có thể làm suy yếu sự bình ổn chiến lược và dẫn đến tình huống khi Nga buộc phải thực hiện quyền ra khỏi Hiệp ước” - ông Ulyanov nói trong cuộc phỏng vấn của Interfax.

Hiệp ước START kế tiếp, là hiệp ước thứ ba, đã được ký kết giữa Nga và Hoa Kỳ năm 2010 và dự trù cho 10 năm với khả năng gia hạn thêm 5 năm nữa.