Nga: Đằng sau việc tổ chức lại lực lượng cảnh sát kinh tế

(ANTĐ) - Việc Tổng thống Dmitry Medvedev ký sắc lệnh cấu trúc lại lực lượng cảnh sát kinh tế (6-8) theo hướng giảm bớt số Vụ, Cục, cũng như xóa bỏ bộ phận cảnh sát thuế khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi nhiều nguyên nhân.

Nga: Đằng sau việc tổ chức lại lực lượng cảnh sát kinh tế

(ANTĐ) - Việc Tổng thống Dmitry Medvedev ký sắc lệnh cấu trúc lại lực lượng cảnh sát kinh tế (6-8) theo hướng giảm bớt số Vụ, Cục, cũng như xóa bỏ bộ phận cảnh sát thuế khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi nhiều nguyên nhân.

Tổng thống Dmitry Medvedev cùng Bộ trưởng Nội vụ Rashid Nurgaliyev
Tổng thống Dmitry Medvedev cùng Bộ trưởng Nội vụ
Rashid Nurgaliyev

Thứ nhất, liên tiếp ký những luật liên quan đến cảnh sát. Riêng trong tháng 7, Tổng thống Dmitry Medvedev đã ký tới 5 luật liên quan đến cảnh sát nhằm chống lại tình trạng tham nhũng trong lực lượng này. Theo sắc lệnh vừa ký, mọi vấn đề liên quan đến tội phạm thuế thuộc thẩm quyền giải quyết của cảnh sát kinh tế sẽ chuyển sang Ủy ban điều tra thuộc Văn phòng Tổng công tố viên (Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao).

Việc thay đổi diễn ra sau khi có nhiều phàn nàn, kêu ca, thậm chí khiếu kiện của giới doanh nghiệp về những chồng chéo trong điều tra thuế. Tờ Moskva Time cho biết, theo một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu dư luận toàn Nga tiến hành năm 2009, trong số 1.200 doanh nhân được hỏi thì có tới 65% chủ doanh nghiệp khẳng định, các cơ quan thuế luôn gây cản trở công việc kinh doanh của họ. Cũng theo sắc lệnh kể trên, cảnh sát kinh tế không những cắt giảm từ 20 đến 25% quân số, mà còn phải trải qua một cuộc tổng rà soát nhằm đánh giá lại phẩm chất và năng lực của từng cán bộ, chiến sỹ.

Khoảng 1 tháng trước, Duma quốc gia Nga đã thông qua luật xây dựng đội ngũ cảnh sát trong sạch. Theo đó, cảnh sát sẽ bị sa thải nếu không khai báo thu nhập cá nhân, nếu hành vi vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần, sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc thông tin sai lệch khi nộp đơn vào ngành. Việc tuyển dụng vào công an cũng được siết chặt như muốn được tuyển làm cảnh sát phải qua trắc nghiệm tâm sinh lý, chịu kiểm tra các chất độc hại trong máu, đồng thời phải có văn bản bảo lãnh cá nhân của cảnh sát đương nhiệm…

Tổng thống Dmitry Medvedev từng tuyên bố, kể từ năm 2010, tất cả nhân viên cảnh sát đều phải kê khai tài sản của bản thân và các thành viên trong gia đình. Ông Dmitry Medvedev hy vọng, việc cắt giảm khoảng 50% nhân viên đang làm việc tại Bộ Nội vụ - từ 19.970 người xuống 10.000 người, sẽ cải thiện và nâng cao đời sống của những nhân viên còn lại.

Được biết, kể từ 1-12-2010, chức năng cơ bản của Bộ Nội vụ là chống tội phạm và bảo đảm trật tự xã hội, các chức năng khác được chuyển cho những cơ quan hữu trách. Giới chuyên môn khá quan tâm tới đề xuất của Giám đốc Sở Nội vụ Moskva Vladimir Kolokoltsev khi ông cho rằng, có thể giảm biên chế một cách đáng kể nhưng phải giải phóng cho cảnh sát khỏi những chức năng không cần thiết.

Thứ hai, thay đổi một số lãnh đạo cấp cao. Ngày 7-7, Tổng thống Dmitry Medvedev cho biết, muốn nhanh chóng cải tổ toàn bộ lực lượng cảnh sát để cải thiện hình ảnh của cơ quan này đang có chiều hướng xấu đi do vấn đề tham nhũng của nhiều quan chức cảnh sát gây ra.

Ông Dmitry Medvedev coi đây là nhiệm vụ quan trọng bởi liên quan mật thiết đến an ninh của Liên bang Nga, cũng như góp phần ngăn chặn hiện tượng tha hóa, tham nhũng của quan chức cảnh sát. Cách đây gần nửa năm (18-2), ông Dmitry Medvedev đã cách chức 17 tướng, trong đó có 2 Thứ trưởng Nội vụ. Đây là cuộc thay đổi nhân sự lớn nhất trong lịch sử Bộ Nội vụ kể từ đầu thập niên 1990 và được coi là quyết định mang tính “thanh lọc lực lượng cảnh sát”.

Trong quyết định ký hôm 18-2, Tổng thống Dmitry Medvedev đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Rashid Nurgaliyev phải hoàn tất bản kế hoạch cải tổ tổng thể cơ quan này, kể cả các biện pháp chống tham nhũng (trước ngày 31-3) bởi việc sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-12-2010. Trước đó, ông Dmitry Medvedev đã ký quyết định cho 20 quan chức cao cấp của Bộ Nội vụ “về quê đuổi gà”. Trong năm 2009 có khoảng 15.000 vụ cảnh sát tham nhũng được ghi nhận, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng.

Tuy nhiên cách đây không lâu, ông Dmitry Medvedev cũng thừa nhận, loại trừ tệ nạn tham nhũng là một quá trình lâu dài. Theo thống kê, kể từ khi nhậm chức (7-5-2008) đến nay gần như tuần nào cũng có quan chức cao cấp hoặc nhân viên Chính phủ bị sa thải hoặc bị tống giam vì liên quan tới tham nhũng.

Tổng thống Dmitry Medvedev luôn coi chống quan liêu và tham nhũng là ưu tiên hàng đầu và việc thành lập Hội đồng chống tham nhũng trực thuộc Phủ Tổng thống là minh chứng rõ nhất cho nhận xét kể trên. Từ đầu năm đến nay đã có 43.000 vụ liên quan đến tham nhũng được phát hiện và số lượng tội phạm nhận hối lộ được phát hiện tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dư luận từng xôn xao về vụ tham nhũng tại Bộ Nội vụ liên quan đến hàng chục nghìn áo giáp chống đạn mua cho cảnh sát với giá cao. Theo kết quả điều tra ban đầu của Viện Kiểm sát quân sự, Cục Quản lý kỹ thuật của Bộ Tổng tư lệnh thuộc Bộ Nội vụ và Công ty Thiết bị khoa học CLASS ở Moskva đã tham nhũng khi ký hợp đồng giao dịch về áo giáp nhãn hiệu Kora-Kulon. Nhờ ký những hợp đồng sửa chữa áo giáp nên Cục trưởng Cục Quản lý kỹ thuật đã mua được 3 lô đất ở ngoại ô Moskva và 1 căn hộ chung cư trị giá tới 9 triệu rúp.

Lê Cao Sơn

(Tổng hợp)