Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, doanh nghiệp nông nghiệp lo lắng

ANTD.VN - Việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT có khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hay ít, việc thanh toán sẽ như thế nào là điều khiến các doanh nghiệp đang quan tâm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, kèm theo đó là việc Mỹ, EU loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp đang có hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa với Nga, trong đó có doanh nghiệp của ngành điều.

“Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thanh toán, đặc biệt với khách hàng Nga vì SWIFT hiện là phương thức gửi điện phổ biến, được hầu hết các ngân hàng trên thế giới và Việt Nam sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu, bao gồm hạt điều một cách an toàn" - ông Giang cho biết.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Nga hiện xếp thứ 11 trong tổng số 104 thị trường xuất khẩu của nhân điều Việt Nam, chiếm 1,63% thị phần, với giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 61,8 triệu USD.

Hiệp hội Điều Việt Nam đã điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng Nga- Ukraine

Hiệp hội Điều Việt Nam đã điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng Nga- Ukraine

Theo lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam, dù Nga chưa phải là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành điều Việt Nam nhưng việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT cũng rất đáng quan ngại vì sẽ ảnh hưởng đến cán cân xuất khẩu chung.

Chính vì vậy, Hiệp hội Điều Việt Nam đang tính đến phương án hạ chỉ tiêu xuất khẩu đặt ra cho năm 2022 là 3,8 tỷ USD, đồng thời cùng với các doanh nghiệp của Hiệp hội bàn phương án ứng phó.

Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Nga.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phân bón của Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại, vì Nga hiện là một trong những thị trường cung cấp phân bón lớn cho Việt Nam.

Ô Đào Hữu Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cho hay, căng thẳng Nga- Ukraine chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường phân bón Việt Nam.

"Nga đang là nhà xuất khẩu phân bón NPK rất lớn cho Việt Nam, do vậy căng thẳng Nga - Ukraine chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành phân bón, giá phân bón có thể sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung bị ảnh hưởng" - ông Duy Anh dự báo.

Hơn nữa, việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sẽ khiến việc thanh toán với khách hàng Nga trở nên khó khăn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, Việt Nam nhập từ Nga 386.193 tấn phân bón, tăng 7,9% về lượng, tăng 30,3% kim ngạch so với năm 2020. Lượng nhập khẩu phân bón từ Nga chiếm 10% lượng phân bón sử dụng cả nước.

Trong đó, chỉ tính riêng tháng 12/2021 nhập khẩu phân bón từ thị trường Nga tăng rất mạnh, tới 404,4% về lượng, tăng 495% kim ngạch, đạt 56.798 tấn.

Bước sang tháng 1/2022, lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu từ Nga vẫn tiếp tục tăng. Theo đó, trong tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu 322.731 tấn phân bón, tương đương 153,6 triệu USD.

Trong đó, Việt Nam mua 53.773 tấn phân bón từ Nga, tương đương gần 29,6 triệu USD, chiếm 16,7% tổng lượng và chiếm 19,3% trong tổng kim ngạch so với tháng 12/2021.

Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) được thành lập năm 1973 thay thế telex và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và thực hiện các giao dịch thanh toán an toàn.