Nga bảo vệ nền kinh tế ra sao trước các lệnh trừng phạt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế do “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga vào Ukraine, mọi chú ý đều đổ dồn vào hệ thống tài chính Nga. Câu hỏi được đặt ra: Nền kinh tế Nga chống đỡ ra sao trước các lệnh trừng phạt?

Trước đó nhiều năm, khi Mỹ và các đồng minh áp đặt lệnh trừng phạt Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng biến nền kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD trở nên “miễn nhiễm” với các lệnh trừng phạt.

Điều chỉnh nền kinh tế để hỗ trợ thị trường nội địa, ổn định tài chính

Thực tế, những biện pháp biến nền kinh tế Nga thành “pháo đài” đang đứng trước bài thử nghiệm khó khăn. Theo Capital Economics, các biện pháp trừng phạt đã khiến khoảng 50% kho dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng. Ở một diễn biến khác, theo giới phân tích, Nga đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, hạn chế chi tiêu của Chính phủ và tăng cường dự trữ ngoại tệ.

Các nhà hoạch định kinh tế của Chính phủ Nga cũng đã tìm cách thúc đẩy sản xuất một số mặt hàng trong nước, ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm tương đương. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã tích lũy được lượng dự trữ trị giá 630 tỷ USD, tính gộp cả ngoại tệ và vàng - đây là một số tiền khổng lồ so với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có

Nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có

Ngân hàng Trung ương Nga ngày 28-2 cho biết, các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga đã thay đổi mạnh mẽ, đồng thời thông báo sẽ tăng gần gấp đôi lãi suất lên 20%. Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định: “Điều này là cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính, giá cả và bảo vệ khoản tiết kiệm của người dân khỏi bị mất giá”. Nga cũng đang áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Ngân hàng Trung ương Nga đã ra lệnh cho các công ty bán ngoại tệ vào ngày 28-2 để hỗ trợ đồng Ruble khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD.

Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo nâng lãi suất chủ chốt từ mức 9,5% lên 20%, mức cao nhất trong nhiều năm. Trong tuyên bố, Ngân hàng này nêu rõ đây là biện pháp khẩn cấp trong bối cảnh các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga thay đổi mạnh. Biện pháp này sẽ đảm bảo tăng lãi suất tiền gửi lên mức cần thiết để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá ngày càng lớn và các rủi ro về lạm phát.

Tổng thống Vladimir Putin đang lên kế hoạch ban hành sắc lệnh tạm thời cấm các công ty và nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản của Nga. Trước đó, ông đã ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt để đối phó với trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Sắc lệnh này nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga và phù hợp với luật pháp Nga. Điện Kremlin tuyên bố sắc lệnh kinh tế đặc biệt này sẽ không phải là đòn đáp trả duy nhất của Nga trước các đòn trừng phạt của phương Tây… Đây là những bước đi mới nhất trong loạt biện pháp của Nga nhằm hỗ trợ thị trường nội địa, ổn định tài chính và giá cả, bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân.

Những áp lực phải gánh chịu trong thời gian dài

Sau khi phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế do “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga vào Ukraine, mọi chú ý đều đổ dồn vào hệ thống tài chính Nga. Theo Oxford Economics, các biện pháp này có thể làm bốc hơi tới 6% tổng sản phẩm quốc nội của Nga. Cuối tuần qua, nhiều người Nga đã phải xếp hàng dài để rút tiền mặt từ các máy ATM, làm dấy lên tâm lý lo ngại. Vốn đã là mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt, các ngân hàng Nga có thể phải chịu áp lực, thậm chí còn lớn hơn nếu người vay tiền không trả được các khoản vay trong bối cảnh sẽ xảy ra cuộc suy thoái không thể tránh khỏi, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Nhà kinh tế học về thị trường mới nổi tại Capital Economics - ông Liam Peach phân tích, các ngân hàng Nga có thể buộc phải phản ứng bằng cách bán tài sản, có thể là với giá rẻ. Tín dụng có thể trở nên khan hiếm, làm cho tổn hại kinh tế từ các lệnh trừng phạt thậm chí còn tồi tệ hơn - “Gia tăng các lệnh trừng phạt của phương Tây vào cuối tuần qua đã khiến các ngân hàng của Nga đứng trước bờ vực khủng hoảng”.

Một vấn đề khác là các ngân hàng Nga chỉ có sẵn lượng ngoại tệ đủ để trang trải khoảng 15% số tiền gửi ngoại tệ. Ngân hàng Trung ương Nga thông thường sẽ cung cấp ngoại tệ cho các ngân hàng, nhưng với một nửa dự trữ không được động đến, ngân hàng Trung ương không thể vừa cung cấp ngoại tệ vừa bảo vệ đồng Ruble cùng lúc. Ngân hàng Trung ương Nga có thể phải chịu áp lực trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Theo Capital Economics, nhờ dầu và khí đốt, giá trị xuất khẩu của Nga vượt xa nhập khẩu.

Các khoản thanh toán vào nước này là một nguồn ngoại tệ lớn. Nhưng các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể tìm cách chuyển một lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài khi đồng Ruble giảm giá, buộc ngân hàng Trung ương phải chi tới 100 tỷ USD dự trữ trong năm 2022. Một “kịch bản” nữa hoàn toàn có thể xảy ra khi phương Tây tiếp tục “mạnh tay” hơn nữa với Nga. Theo Viện Tài chính Quốc tế, Mỹ và các đồng minh có thể loại bỏ thêm nhiều ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT và hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận của các ngân hàng với USD và Euro. Các nước cũng có thể cắt giảm xuất khẩu năng lượng của Nga, mặc dù điều đó sẽ khiến giá cả tăng vọt...

“Lớp phòng thủ” của “pháo đài kinh tế” có sụp đổ?

Theo các nhà phân tích, chưa bao giờ một nền kinh tế có tầm quan trọng toàn cầu như Nga lại bị nhắm tới với các lệnh trừng phạt ở mức độ này. Họ cho rằng có nguy cơ cao là Nga sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính, đẩy các ngân hàng lớn nhất đến bờ vực sụp đổ. Thực tế, phương Tây đã đáp trả việc Nga đưa quân vào Ukraine bằng các biện pháp trừng phạt trừng phạt ồ ạt nhằm châm ngòi khủng hoảng ngân hàng, đẩy nền kinh tế Nga vào suy thoái sâu. Phương Tây đã cắt hai ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank và VTB khỏi quyền tiếp cận trực tiếp với đồng USD. Các nước đang cố gắng ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga bán USD và các ngoại tệ khác để bảo vệ đồng Ruble cũng như nền kinh tế. Tổng tài sản trị giá 1.000 tỷ USD của Nga đã bị đóng băng theo các lệnh trừng phạt.

Các quan chức phương Tây cho rằng chiến dịch trừng phạt là cuộc chiến kinh tế nhằm vào Tổng thống V.Putin, ngay cả khi các lệnh trừng phạt phải mất nhiều năm mới có thể phá hủy được “lớp phòng thủ” của “pháo đài kinh tế” của Nga. Tuy nhiên, vị thế là nhà cung cấp năng lượng toàn cầu của Nga sẽ khiến biện pháp trừng phạt từ phương Tây gặp khó khăn hơn. Châu Âu nhập gần 40% khí đốt tự nhiên và 30% dầu lửa từ Nga. Gián đoạn hoạt động xuất khẩu đó sẽ khiến giá năng lượng toàn cầu vốn đã cao lại còn tăng thêm nữa…

Ngân hàng Sberbank của Nga thông báo rút khỏi thị trường châu Âu

Ngày 2-3, Ngân hàng Sberbank của Nga đã thông báo rút khỏi thị trường châu Âu, khi các chi nhánh của của ngân hàng đang phải đối mặt với việc dòng tiền rút ra một cách bất thường và sự an toàn của của nhân viên bị ảnh hưởng. Thông báo cũng cho biết thêm, theo yêu cầu của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, Sberbank sẽ không thể cấp thêm thanh khoản cho các chi nhánh ở châu Âu. Ngân hàng Sberbank có mặt tại 8 thị trường châu Âu bao gồm: Áo, Bosnia and Herzegovina, Croatia, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovenia, Serbia và Đức.

Giá dầu thế giới tăng cao lên mức kỷ lục

Giá dầu thế giới tăng hơn 7% lên mức cao nhất kể từ năm 2014, khi thỏa thuận giải phóng dự trữ dầu thô không thể xoa dịu mối lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung trước căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 7 USD (7,1%) lên 104,97 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8-2014. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 7,69 USD (8%) lên 103,41 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 7-2014, đồng thời ghi dấu mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 11-2020. Các thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhất trí giải phóng 60 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ của các nước này trong nỗ lực “hạ nhiệt” đà tăng của giá dầu.

Giá lúa mỳ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008

Giá lúa mỳ giao dịch tại Chicago (Mỹ) đã tăng gần 3% trong phiên ngày 2-3, lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung kéo dài. Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), giá lúa mỳ tăng 2,8% lên 10,1125 USD/bushel, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 3-2008 là 10,23 USD/bushel. Giá ngô giảm 0,4% xuống 7,2275 USD/bushel, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5-2021, còn giá đậu tương tăng 0,6% lên 16,7975 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg). Nga và Ukraine chiếm tổng cộng khoảng 29% xuất khẩu lúa mỳ trên thế giới, 19% ngô xuất khẩu và 80% dầu hướng dương, mà cạnh tranh với dầu đậu nành.