Chính quyền Bắc Kinh muốn kích động xung đột bên ngoài để hướng dư luận không tập trung vào những vấn đề kinh tế - xã hội trong nước khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi, nạn tham nhũng tràn lan, môi trường ô nhiễm trầm trọng, nguy cơ khủng bố hiện hữu cao.
Giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) nhận định: “Càng manh động quân sự, cái giá Trung Quốc phải trả sẽ càng đắt. Theo tôi, có sự tương đồng giữa động cơ gây hấn của Trung Quốc ở biển Hoa Đông với Nhật và ở Biển Đông với Việt Nam: chuyển hướng dư luận sang những vấn đề quốc tế để giảm bớt căng thẳng từ những vấn đề trong nước”.
Về kinh tế, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, mọi chỉ số kinh tế đều giảm sút. Dự báo GDP Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2014. Với một quốc gia đông dân như Trung Quốc, sụt 1% GDP đồng nghĩa với việc hàng chục triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cũng theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, dân số nước này hiện trên 1,3 tỷ người, gấp gần 15 lần dân số Việt Nam. Với trữ lượng dầu mỏ khoảng 24,4 tỷ thùng theo báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), mỗi người dân Trung Quốc chỉ “sở hữu” khoảng 19 thùng dầu, thua xa Việt Nam - quốc gia đứng sau Trung Quốc về trữ lượng dầu mỏ trong khu vực Đông Á (bình quân 49 thùng dầu/người). Từ điều này việc dễ hiểu là Trung Quốc đang là một trong những quốc gia nhập khẩu dầu mỏ và nhiên liệu lớn nhất thế giới.
Một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề về an ninh năng lượng, lương thực khi quy mô dân số quá đông. Với số dân “khổng lồ” lượng lúa gạo sản xuất trong nước cũng không đáp ứng đủ nhu cầu, cũng sẽ biến Trung Quốc thành nước có nguy cơ phải nhập khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng một nửa!
Trong khi đó, người dân nước này vẫn giữ thói quen tiết kiệm, ngại chi tiêu làm nhu cầu tiêu dùng chững lại. Giá hàng hóa giảm ảnh hưởng trầm trọng đến dư thừa sản xuất. Lạm phát Trung Quốc tháng 4 đã xuống thấp nhất hơn một năm với 1,8%. Trong khi nợ xấu tăng cao vì giới chức địa phương và doanh nghiệp Nhà nước không ngừng đi vay. Một số doanh nghiệp Nhà nước cũng bắt đầu chìm trong nợ và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Đây là một sự thực kinh hoàng về nợ xấu mà Trung Quốc đang che giấu. Bloomberg trích dẫn một nghiên cứu ra ngày 8-5 của Oxford Economics cho thấy tỷ lệ nợ xấu thực sự của Trung Quốc có thể nằm trong khoảng từ 10 đến 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương từ 6 đến 12 tỷ nhân dân tệ (khoảng từ 1 đến 1,9 nghìn tỷ USD). Nhà kinh tế cao cấp Adam Slater, tác giả của báo cáo cho biết: "Với mức thấp nhất, con số này vẫn được coi là khá lớn. Giới phân tích cho rằng khối dự trữ ngoại tệ khổng lồ nước này tích trữ trong nhiều thập kỷ vẫn có thể được sử dụng để giải cứu các ngân hàng, một khi nền kinh tế khủng khoảng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu với lượng dự trữ ngoại hối lên tới 3.800 tỷ USD, cao hơn GDP của nhiều quốc gia đang phát triển. Tuy vậy, trong chuyến thăm Kenya, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này đang đau đầu khi khối dự trữ ngoại tệ ngày càng tăng, là nguy cơ thổi bùng lạm phát trong dài hạn.
Về xã hội, nạn ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc đang trở nên tồi tệ chưa từng thấy. Trong thời gian qua, hàng loạt thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Bắc Kinh, luôn phải sống trong tình trạng khói bụi tồi tệ. Việc phản ứng chống ô nhiễm làm xã hội lâm vào rối loạn, bạo động. Mới đây nhất, gần 40 người đã bị thương trong cuộc biểu tình phản đối dự án xây dựng nhà máy đốt rác ở Hàng Châu. Rồi vụ lái xe đâm vào người đi bộ ngay tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hồi tháng 10-2013, vụ tấn công bằng dao ở Côn Minh khiến 29 người thiệt mạng và 143 người bị thương trong tháng 3. Rồi vụ kích nổ và đâm dao ở nhà ga thành phố Urumqi, thủ phủ Tân Cương ngay trong thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình đến vùng tự trị này vừa mới đây... Do lo ngại bất ổn mà chính quyền Trung Quốc đã phải triển khai lực lượng cảnh sát vũ trang ở Thủ đô Bắc Kinh từ ngày 12-5 để “chống khủng bố và bạo lực”. Thậm chí nhà chức trách buộc những người mua xăng phải công khai danh tính và giải thích lý do mua xăng để ngăn chặn nguy cơ “dùng xăng gây rối”!
Giới phân tích chính trị quốc tế cho rằng việc chính quyền Bắc Kinh liên tục có những hành vi khiêu khích các nước láng giềng như gây hấn với Philippines khi chiếm bãi cạn Scarborough, chọc giận Nhật Bản khi đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, và giờ là xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Bên cạnh những mục đích khác thì “chiêu thức thổi lửa xung đột” ở bên ngoài sẽ giúp Bắc Kinh lái sự chú ý của người dân tạm quên đi những bức xúc chính đáng và sát sườn mà chính quyền không có cách giải quyết.
Ở Trung Quốc, chính quyền cấm hoàn toàn các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter, các kênh truyền thông nước ngoài cũng bị kiểm duyệt rất gắt gao. Thông thường người dân nước này chỉ biết đến các thông tin quốc tế qua ngõ Tân Hoa xã, Trung Quốc Nhật Báo, Nhân Dân Nhật Báo và đặc biệt là Thời Báo Hoàn Cầu. Sự bưng bít đã giúp Bắc Kinh gây hấn “chuyển lửa ra bên ngoài” nhưng ít bị phản đối từ bên trong.
Thế nhưng, theo TS Mohan Malik (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ) nhận định: Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại nhiều nhất nếu như nước này tiếp tục đẩy căng thẳng leo thang. TS Graham nói: “Nếu tình hình căng thẳng leo thang đến mức Trung Quốc dùng đến vũ lực, điều tất yếu là Bắc Kinh sẽ thấy ngay điều mình không bao giờ muốn trở thành hiện thực: vấn đề biển Đông được quốc tế hóa. Để căng thẳng leo thang tới mức đó sẽ cực kỳ tổn hại cho chính quyền lợi của Trung Quốc ”- ông nói với tờ The New York Times.