Nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia nổi bật ở Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2022, nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia chiếm gần 40% tổng giá trị giao dịch trong nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN. Điều này giúp Indonesia trở thành một quốc gia nổi bật trong nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN đồng thời cho thấy kinh tế kỹ thuật số là một nguồn sức mạnh mới cho nền kinh tế quốc gia.
Kinh tế Indonesia phục hồi nhanh sau đại dịch nhờ sự tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số đáng kể trong 2 năm qua

Kinh tế Indonesia phục hồi nhanh sau đại dịch nhờ sự tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số đáng kể trong 2 năm qua

Thành quả đáng khích lệ

Theo một nghiên cứu gần đây vào năm 2022, nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia đạt 77 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 22% so với năm 2021. Thành công này càng được củng cố bởi Indonesia có phần lớn dân số trong độ tuổi lao động, hơn 2.400 công ty khởi nghiệp và xếp hạng thứ 6 thế giới trong lĩnh vực quốc gia có nhiều công ty khởi nghiệp nhất cũng như tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 76,8%. Với hiệu suất thuận lợi, định giá của ngành kinh tế số được dự đoán sẽ tăng gấp 4 lần lên 130 tỷ USD vào năm 2025 và đạt 220 - 360 tỷ USD vào năm 2030.

Nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này đang thể hiện sự phục hồi nhanh hơn nhờ các nền tảng kinh tế vững mạnh hơn, chẳng hạn như tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Hơn nữa, nó được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số đáng kể trong 2 năm qua, một trong số đó là yếu tố giao dịch không tiếp xúc trực tiếp, khi ngày càng nhiều người phụ thuộc hơn vào thương mại điện tử và các doanh nghiệp theo yêu cầu như gọi xe, giao đồ ăn và hậu cần trực tuyến…

Ngân hàng Trung ương Indonesia lưu ý rằng sự tăng trưởng đáng kể của thương mại điện tử phản ánh sự tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số về mặt thương mại của Indonesia. Các giao dịch thương mại điện tử tăng 22,1% so với cùng kỳ lên 227,8 nghìn tỷ rupiah (15 triệu USD) trong nửa đầu năm 2022, trong khi khối lượng tăng 39,9% lên 1,74 triệu giao dịch. Thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người tiêu dùng dự kiến sẽ đóng góp nhiều giá trị nhất cho hệ sinh thái kinh tế kỹ thuật số của Indonesia vào năm 2030 với tỷ lệ 34%, trị giá 1.908 nghìn tỷ rupiah (120 tỷ USD).

Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số trong thương mại điện tử, tại các thị trường truyền thống, Indonesia cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số. Hiện có 2.047 chợ truyền thống sử dụng các trang web chợ địa phương thông qua Hệ thống thông tin cơ sở thương mại, 10 chợ truyền thống triển khai tiếp thị kỹ thuật số và 51 chợ truyền thống thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt qua QRIS (Mã phản hồi nhanh tiêu chuẩn Indonesia). Là một phần trong chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số, Bộ Thương mại đã đặt mục tiêu số hóa 1.000 chợ truyền thống và 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp Indonesia.

Trong phục hồi kinh tế sau đại dịch, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang nổi lên như những yếu tố hỗ trợ quan trọng. Để mở rộng thanh toán kỹ thuật số trong khu vực, Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank Indonesia) đã hợp tác với 5 quốc gia ASEAN là Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan để tạo điều kiện thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR. Năm quốc gia ASEAN đã thống nhất về Kết nối kỹ thuật số thanh toán khu vực trong một loạt các sự kiện trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali. Thỏa thuận này sẽ tăng tính khả dụng của Mã phản hồi nhanh tiêu chuẩn Indonesia (QRIS) trên 5 quốc gia ASEAN.

Tập trung vào khoa học và công nghệ

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023, chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục cải thiện ngành du lịch thông qua các Đặc khu kinh tế (KEK), phát triển các ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thúc đẩy Hiệp định khung về kinh tế kỹ thuật số. Về lâu dài, chính phủ tập trung đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế quốc gia và cải thiện khả năng phục hồi thông qua nâng cao khả năng cạnh tranh, đầu tư, năng suất nguồn nhân lực và việc làm thông qua việc thực thi Luật Tạo việc làm và chuyển đổi kỹ thuật số.

Để đẩy nhanh tiến độ này, chính phủ đã đưa ra các hỗ trợ khác nhau để phát triển các lĩnh vực thiết yếu, như nâng cao năng lực nguồn nhân lực. “Tập trung vào khoa học và công nghệ là rất quan trọng vì nó làm tăng giá trị. Kết quả là dẫn đến sự đổi mới như công nghệ AI, Metaverse, thực tế ảo và công nghệ robot”, ông Airlangga Hartarto, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế nhấn mạnh trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Lễ khánh thành Công viên Khoa học và Công nghệ Khu vực ở Surakarta, tỉnh Trung Java.

Chính quyền thành phố Surakarta đã thành lập công viên chuyên về khoa học và công nghệ rộng khoảng 5 ha, hướng tới chuyển đổi kỹ thuật số và nguồn nhân lực. Công viên sẽ trở thành địa danh mới của Thành phố Surakarta, cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc hình thành một cộng đồng am hiểu công nghệ hơn và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia. Công viên Khoa học và Công nghệ Khu vực ở Surakarta có nhiều đối tác, từ các công ty thương mại điện tử, ngân hàng, năng lượng tới vận tải. Sự hợp tác này thể hiện sự hỗ trợ của chính phủ và tư nhân để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. “Tôi hy vọng cơ sở này có thể thúc đẩy các công ty khởi nghiệp mới. Công viên công nghệ này sẽ cải thiện sự tham gia của các bên liên quan và liên ngành, và đây là một cách tiếp cận thú vị để giải quyết tất cả các nhu cầu công nghệ”, Bộ trưởng Airlangga cho biết.