NATO, Thượng viện Mỹ đang đẩy Washington vào “vũng lầy” Ukraine

ANTĐ -  Theo tờ Nation, thoả thuận Minsk II, được thiết kế để tìm ra một giải pháp hoà bình với Ukraine, đang bị phá hỏng một cách có chủ đích tại Washington khi Thượng viện Mỹ và chỉ huy cấp cao NATO đều đang thúc giục ông Obama can thiệp sâu hơn vào khủng hoảng Ukraine.

“Ngày hôm nay, dường như cả phe Dân chủ và Cộng hoà đang ở trong một cuộc đua nhằm chống lại sự phát triển của Nga”, tờ Nation của Mỹ nhận định.

Thượng viện Mỹ đang thúc giục ông Obama gửi vũ khí sát thương đến Ukraine 

Vào cuối tháng 4, phần lớn thành viên Uỷ ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Obama gửi vũ khí sát thương đến Ukraine, chỉ có 2 nghị sĩ cho rằng điều này không nên xảy ra.

Lí do cho việc này được các nghị sĩ Mỹ đưa ra là vì Nga đã can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine và Moscow đang đơn phương phá hỏng thoả thuận Minsk II. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ không phải là những người duy nhất ủng hộ một biện pháp mạnh hơn với tình hình Ukraine.

Theo tờ Nation, giới cầm quyền ở Thượng viện Mỹ còn tìm một đồng minh quan trọng ủng hộ quan điểm của mình là tư lệnh cao cấp của NATO ở châu Âu, tướng Philip Breedlove. Vào tuần tuần trước, ông Breedlove đã phát biểu trước uỷ ban rằng ông ủng hộ việc gửi vũ khí sát thương cho Ukraine nhằm chống lại điều mà ông gọi là “sự hung hăng của Nga”.

Vào tháng 3, tạp chí German Der Spiegel đã đăng một bài viết cho biết các lãnh đạo châu Âu hoàn toàn bất ngờ với những lời phát biểu và cáo buộc của ông Breedlove về Nga do chúng không hề được dựa trên những số liệu tình báo cụ thể.

Châu Âu và Nga luôn phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine do cho rằng việc này có thể khiến tình hình trong khu vực trở nên xấu hơn. Trong những tuần qua, ngoại trưởng các nước châu Âu, trong đó có ông Frank-Walter Steinmeier đã một lần nữa khẳng định đối thoại chính trị là lựa chọn duy nhất giải quyết khủng hoảng Ukraine.

"Ông Breedlove đã vô tình chứng minh những nhận định của Nga về chính sách của Mỹ, đó là nó luôn được hỗ trợ bởi sức mạnh quân đội Mỹ”, tờ Nation chỉ ra.