NATO “khó lòng” chấp nhận Ukraine là thành viên

ANTĐ - NATO không có khả năng kết nạp Ukraine là thành viên của liên minh trong tương lai gần nhất hoặc can thiệp quân sự vào công việc nội bộ của chính quyền Kiev, quan chức cao cấp các nước thành viên của NATO cho biết trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên minh hôm 4/9.

Tuy nhiên, "các nhà lãnh đạo NATO dự kiến ​​sẽ phê duyệt một gói hỗ trợ cho Kiev, bằng việc thành lập quỹ ủy thác trị giá khoảng 12 triệu euro (tương đương gần 16 triệu USD) để cải thiện khả năng quân sự cho Ukraine trong các lĩnh vực như dịch vụ hậu cần, chỉ huy kiểm soát, và bảo vệ không gian mạng", Reuters trích dẫn báo cáo cho biết.

Tổng thư ký NATO Ander Fogh Rasumssen

Mặc dù Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thư ký NATO Ander Fogh Rasumssen đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga đang đặt ra một "mối đe dọa" các nước láng giềng, nhưng các phương tiện truyền thông phương Tây lại cho biết NATO có thể sẽ từ bỏ việc gia tăng sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Âu. Thay vào đó, liên minh "sẽ cung cấp các thiết bị, vật tư như nhiên liệu và đạn dược" trong khu vực để sẵn sàng tổ chức một cuộc tấn công nếu cần thiết.

Theo Reuters, các thành viên của NATO đã bác bỏ ý tưởng trao quyền cho lực lượng quân đội ở Đông Âu, bởi họ không muốn "phá vỡ một thỏa thuận năm 1997 với Nga, theo đó NATO cam kết vĩnh viễn không xây dựng các căn cứ chiến đấu quan trọng ở phía đông". 

Các chuyên gia nhận định rằng động thái này đã một lần nữa chỉ ra rằng các nước thành viên của NATO không có ý định cắt đứt quan hệ với Nga và không thực sự xem Moscow là một mối đe dọa đáng kể cho châu Âu, bất chấp tuyên bố trước đó của ông Rasmussen.

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales bắt đầu vào hôm 4/9 dự kiến ​​sẽ thảo luận các vấn đề trọng tâm như mối quan hệ NATO-Nga, cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine và các mối đe dọa gia tăng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông.

Bên cạnh vấn đề căng thẳng với Nga, các thành viên NATO cũng bày tỏ sự quan ngại về các mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Thủ tướng Anh Cameron nhấn mạnh rằng khủng bố IS đang lan rộng "hệ tư tưởng độc hại" và cần phải chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, dường như các nhà lãnh đạo NATO chưa phát triển một chiến lược chung chống khủng bố tại Trung Đông.

Nhà ngoại giao NATO chỉ ra rằng không phải tất cả các nước thành viên của liên minh sẵn sàng tham gia cùng Mỹ tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, ngoại trừ một số đồng minh như Pháp và Anh, bởi vấn đề này có liên quan trực tiếp đến các quốc gia đó.