Năng lượng xanh thắp sáng cuộc sống của người tị nạn ở Rwanda

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các tấm pin Mặt trời và bếp sạch hơn đã mang lại một sự thay đổi rất tích cực, đồng thời giảm thiểu những nguy hiểm mà cư dân tại một số trại tị nạn miền Nam Rwanda đang phải đối mặt.
Ánh đèn đường thắp sáng khắp khu trại tị nạn Nyabiheke ở Rwanda

Ánh đèn đường thắp sáng khắp khu trại tị nạn Nyabiheke ở Rwanda

Từ bóng tối bước ra ánh sáng

“Trước khi có đèn đường chạy bằng năng lượng Mặt trời, trại tối om”, Edson Sebutozi Munyakarambi, một người tị nạn sống trong trại Kigeme ở miền Nam Rwanda, cho biết. Ông Munyakarambi, người đứng đầu ủy ban đại diện cho 16.000 người trong trại cho hay, trước đây có hiện tượng mất cắp khi trời tối nhưng hiện giờ không còn việc đó vì nhà cửa đều sáng, còn bọn trẻ có thể học hoặc chơi bên ngoài trong khi chờ bữa tối.

Những chiếc đèn, cùng với hệ thống năng lượng Mặt trời gia đình và bếp nấu ăn sạch hơn đã được dự án Năng lượng tái tạo cho người tị nạn chuyển đến 3 trại ở Rwanda, nơi trú ẩn của hơn 42.000 người. Cư dân những nơi này chia sẻ, mọi thứ thật kỳ diệu, các khu trại trở nên an toàn hơn. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em đi kiếm củi ngoài trại không còn phải đối mặt với nguy cơ bị hãm hiếp và đánh đập.

Uwimana Nyirakabukari là một bà mẹ đơn thân có 5 con, sống trong trại Nyabiheke và hiện có một hệ thống năng lượng Mặt trời tại nhà: một tấm pin Mặt trời trên mái nhà cung cấp năng lượng cho đèn thắp sáng và một pin để sạc điện thoại di động. “Trước đây, tôi sử dụng nến, hoặc lúc không đủ tiền mua nến, tôi thắp đuốc. Nhưng có lần, lửa lan ra đệm, các con tôi suýt chết”. Người phụ nữ sống bằng nghề may túi xách để bán ở chợ này giờ có ánh sáng để làm việc vào buổi tối. Chị cũng học đọc, viết và nói tiếng Anh. “Dự án thực sự đã giúp tôi thoát nghèo”, Nyirakabukari bày tỏ.

Các trại tị nạn thường không gắn liền với việc vui chơi, nhưng một yếu tố quan trọng là cư dân cũng cần đảm bảo an sinh, đặc biệt là đối với trẻ em, chiếm một nửa số người tị nạn tại các trại. Đèn đường năng lượng Mặt trời đã mang lại sức sống mới cho sân bóng rổ duy nhất của trại Nyabiheke. Hertier Mugisha, một huấn luyện viên thể thao đến trại khi mới 7 tuổi cho biết: “Bây giờ sân tập có thể mở cửa bất cứ lúc nào. Thể thao cũng là một hình thức bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên, giúp họ tránh xa rượu và các nguy cơ khác”.

Cũng như hệ thống năng lượng Mặt trời, những người tị nạn đã được tiếp cận với bếp nấu ăn sạch hơn. Những viên đốt được làm từ mùn cưa và gỗ phế thải có ưu điểm loại bỏ những nguy hiểm khi lấy củi, cũng như tạo ra ít khói hơn nhiều.

Trong dự án này, trừ những người quá khó khăn, phần lớn các hộ gia đình phải trả tiền cho các hệ thống năng lượng Mặt trời và bếp nấu theo hình thức trả góp cho các công ty địa phương. Bà Denyse Umubyeyi, Giám đốc quốc gia về Hành động thực tiễn, tổ chức phi chính phủ thực hiện dự án RE4R, cho biết: “Chúng tôi tin rằng đó là cách bền vững nhất. Điều đó tốt cho những người tị nạn vì khi mua, họ cảm thấy một quyền sở hữu, sự tự lực và phẩm giá”.

Hướng đến định cư lâu dài và bền vững

Ông Andrew Harper, cố vấn đặc biệt về hành động khí hậu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết, ngày càng nhiều người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ vì sự kết hợp của chiến tranh xung đột và biến đổi khí hậu. “Khả năng để mọi người quay trở lại nơi họ sống trước đây thực sự mong manh, một phần vì nhiệt độ tăng cao khiến canh tác truyền thống không thể sống được. Đây là lý do tại sao càng có ý nghĩa hơn khi đầu tư vào các khu định cư lâu dài”, ông Harper nói. “Cung cấp năng lượng bền vững cho những người đã mất hầu hết mọi thứ rất quan trọng. Nó làm cho những người dễ bị tổn thương và phụ thuộc bắt đầu đóng góp trở lại cho cộng đồng”, chuyên gia này nhấn mạnh.

70 người tị nạn hiện đang làm công việc bán và lắp đặt hệ thống năng lượng Mặt trời này. Đến nay, dự án RE4R đã cung cấp 183 bóng đèn đường, 4.000 hệ thống năng lượng Mặt trời gia đình và 5.600 bếp ăn trên khắp các trại, một số cũng được lắp đặt ở các làng lân cận. Ông Harper tin rằng, tất cả các trại tị nạn nên có một kế hoạch về năng lượng tái tạo để thắp sáng và nấu ăn, nhưng kinh phí vẫn còn là một vấn đề.

May mắn, dự án RE4R đã được bà Annemieke de Jong, người đứng đầu Ikea Foundation tài trợ 10 triệu Euro. “Viện trợ nhân đạo sẽ luôn phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ bên ngoài. Nhưng điều thú vị là chúng tôi nhìn thấy cơ hội nếu bạn tiếp cận nó như một thị trường và tạo điều kiện cho cộng đồng đó phát triển, nhằm vượt ra khỏi nền kinh tế viện trợ và có một nền kinh tế lành mạnh hơn”, bà De Jong nói. Ngoài ra, những kỹ năng mà người tị nạn học được thông qua các dự án năng lượng tái tạo cũng có thể giúp họ khi trở về đất nước và bắt đầu xây dựng lại cộng đồng của mình.

Một số ít trại tị nạn trên khắp thế giới đã lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo, bao gồm cả những trại được thành lập ở Jordan cho người tị nạn Syria và ở Kenya cho người tị nạn Ethiopia. Nhưng có hơn 26 triệu người tị nạn trên toàn thế giới và trong số những người sống trong các trại, 90% không có điện và 80% sống dựa vào củi để nấu ăn.