Nạn xâm hại tình dục ở Congo

(ANTĐ) - Masika Katsuva từng có một cuộc sống gia đình hạnh phúc với 4 người con khỏe mạnh và là vợ của một thương nhân thành đạt. Nhưng một ngày đầu năm 1999, cuộc sống bình yên của gia đình cô đã hoàn toàn thay đổi. Một nhóm quân phiến loạn đã xông vào ngôi nhà của gia đình cô. Đầu tiên chúng lấy đi mọi thứ trong ngôi nhà, rồi ra tay hành hạ và sát hại người chồng ngay trước mặt cô. Sau đó chúng hãm hiếp 2 người con gái và bản thân cô.

Nạn xâm hại tình dục ở Congo

(ANTĐ) - Masika Katsuva từng có một cuộc sống gia đình hạnh phúc với 4 người con khỏe mạnh và là vợ của một thương nhân thành đạt. Nhưng một ngày đầu năm 1999, cuộc sống bình yên của gia đình cô đã hoàn toàn thay đổi. Một nhóm quân phiến loạn đã xông vào ngôi nhà của gia đình cô. Đầu tiên chúng lấy đi mọi thứ trong ngôi nhà, rồi ra tay hành hạ và sát hại người chồng ngay trước mặt cô. Sau đó chúng hãm hiếp 2 người con gái và bản thân cô.

Một nạn nhân bị cưỡng bức tình dục
Một nạn nhân bị cưỡng bức tình dục

Mặc dù nỗi đau mất mát vẫn chưa thể nguôi ngoai, nhưng Katsuva không từ bỏ cuộc sống trong tuyệt vọng. Hiện nay, Katsuva, 41 tuổi, đang điều hành một cơ sở phục hồi và một trang trại ngay ngoại ô Goma. Nơi đây được coi là chốn nương tựa dành cho những người phụ nữ có cùng hoàn cảnh như Katsuva. Sống ở đây, những người phụ nữ bất hạnh có được sự tôn trọng, chăm sóc y tế, công việc và trên hết là sự chia sẻ.

Mặc dù chiến tranh ở đất nước này đã tạm lắng xuống, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều nạn nhân của nạn xâm hại tình dục, hiếp dâm tìm đến sự chăm sóc y tế ở những bệnh viện, phòng khám và những cơ sở tư nhân. Katsuva cho biết, từ năm 2000 đến nay, cơ sở của cô đã tiếp nhận hơn 6.000 phụ nữ và con số những người tìm đến cơ sở của cô vẫn tiếp tục tăng mỗi năm. Những nỗ lực bảo vệ phụ nữ, đặc biệt là những nạn nhân của tội phạm cưỡng bức, sẽ phần nào bù đắp cho những cố gắng của xã hội Congo.

Được biết, hàng trăm bác sỹ, luật sư, các nhà hoạt động xã hội và cả những nạn nhân đã phát động những chương trình nhằm phản đối nạn hiếp dâm và lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em. Thậm chí các bác sỹ ở những thành phố lớn đã thành lập các đoàn công tác đến tận những vùng nông thôn để hỗ trợ nạn nhân và sẵn sàng đưa họ đến những cơ sở y tế hoặc bệnh viện. Ngoài những hoạt động y tế, những đơn vị cơ động này cũng góp phần tuyên truyền những người đàn ông không nên xa lánh, ruồng bỏ những người phụ nữ hoạn nạn. Bác sỹ Mukwege, Giám đốc Bệnh viện Panzi, cho biết, bệnh viện của ông hiện đang quá tải, trong khi đó vẫn có rất nhiều phụ nữ và thậm chí cả trẻ em vẫn hàng ngày tìm đến điều trị phục hồi do bị binh lính cưỡng đoạt.

Hơn một thập kỷ qua, đã có hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc và hãm hiếp ở Congo. Ước tính tại Congo, mỗi ngày có khoảng 40 phụ nữ bị hiếp dâm. Các nạn nhân không chỉ bị tổn thương về thể chất và tinh thần mà nguy hiểm hơn là nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS. Nhóm vì sự bình đẳng của nữ giới trong tiếp cận chăm sóc và điều trị cho rằng: “Chính quyền và xã hội phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn ngay nạn xâm hại tình dục ở phụ nữ và trẻ gái; một tệ nạn làm tăng nguy cơ nhiễm HIV cho người bị hại.

Các nữ nạn nhân cần phải được săn sóc y tế khẩn cấp ngay sau khi bị hại; bao gồm thuốc dự phòng nhiễm HIV sau tai họa, tư vấn về nạn cưỡng dâm cũng như thực phẩm và chốn nương thân. Vì nạn xâm hại tình dục do các nhóm phiến loạn thực hiện sẽ làm trầm trọng thêm đại dịch AIDS vốn đang tàn phá Congo nói riêng và châu Phi nói chung. Hiện nay, châu Phi có hơn 25 triệu người đang sống với HIV/AIDS, chiếm hai phần ba tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới. Ước tính trong số 250 nghìn nạn nhân sống sót sau các vụ hiếp dâm có đến 67% bị nhiễm HIV.

Con số này còn tiếp tục gia tăng khi ngày càng có thêm nhiều phụ nữ bị hãm hiếp đi xét nghiệm HIV. Một nạn nhân tâm sự, bạn có thể tưởng tượng nỗi đau của một phụ nữ không những bị hiếp mà còn bị nhiễm HIV do hậu quả của chuyện đó? Cô ta phải sống với 2 điều tủi nhục: bị hãm hiếp và bị nhiễm HIV! Và một số nạn nhân của các vụ cưỡng dâm có thai. Làm sao bạn có thể giải thích cho một đứa bé biết nó là con hoang, mẹ nó bị nhiễm HIV và bản thân nó có lẽ cũng đã bị nhiễm.

Panzi là một trong những bệnh viện miễn phí dành cho những nạn nhân bị hãm hại tình dục. Họ có thể ở đây hàng tháng để phục hồi sức khỏe hoặc chờ được chăm sóc y tế. Tại những cơ sở y tế như thế này, bệnh nhân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ và tham gia các hoạt động nhóm như chăm sóc vườn, học nghề... Những sản phẩm do bệnh nhân làm ra có thể tự đảm bảo thu nhập cho cuộc sống hàng ngày và tạo công ăn việc làm cho họ sau khi rời những cơ sở này.

Bên cạnh những hoạt động chăm sóc y tế, các chuyên gia cũng như người dân Congo cho rằng, điều cơ bản giúp giảm tình trạng bạo lực tình dục là phải tăng cường pháp luật, lực lượng cảnh sát và tòa án. Vì mặc dù có những quy định pháp luật rất chặt chẽ và những hình phạt nghiêm khắc lên đến 20 năm tù giam, nhưng vẫn có rất ít kẻ phạm tội hiếp dâm bị trừng phạt. Thực tế là lực lượng cảnh sát mỏng, thiếu chuyên nghiệp, các thẩm phán thì dễ dàng nhận tiền để bỏ qua những vụ án. Hiện Congo đã có đơn vị cảnh sát chống tội phạm hiếp dâm với quân số 30 người. Honorine Munyole, thành viên nữ duy nhất của đơn vị cho biết, mặc dù vậy nhưng số lượng vẫn chưa đủ để đối phó với tình hình hiện nay.

Hiếu Trung

(Tổng hợp)