Nạn "lính ma" và những cái tên giả

ANTĐ - Một điều tra cho thấy, 40% quân số ở tỉnh Helmand là những cái tên giả hoặc những người đã chết, khiến cho việc kiểm soát biên giới ở Afghanistan rơi vào cảnh thiếu hụt lực lượng trầm trọng. Đội quân “lính ma” là biểu tượng của tham nhũng - một “kẻ thù” được cho là gây hậu họa hơn cả phiến quân.

Nạn "lính ma" và những cái tên giả ảnh 1Binh sĩ quân đội Afghanistan tại một chốt ở Babaji

Đội quân không tồn tại

Từ khoảng 20h30 cho đến nửa đêm, bầu trời trên các ngôi làng của Babaji, gần thủ phủ Lashkar Gah của tỉnh Helmand, Afghanistan sáng rực lên do tên lửa và pháo sáng. “Đáng lẽ chúng tôi không phải có mặt ở đây. Chúng tôi không được huấn luyện để chiến đấu ở tiền tuyến”, Đại úy Ghulam Wali Afghanistan, chỉ huy một đơn vị có 24 thành viên cảnh sát biên giới Afghanistan đóng chốt ở Babaji cho biết.

Đội quân của Wali Afghanistan lẽ ra có nghĩa vụ chống lại các hoạt động buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn người xuyên biên giới, nhưng 7 tháng trước, Đại úy Wali và 122 người thuộc lực lượng cảnh sát bảo vệ biên giới Afghanistan được điều đến Babaji, cách biên giới Pakistan khoảng 300km nhằm củng cố lực lượng chống lại Taliban, đội quân Hồi giáo cực đoan đang tiếp tục mở rộng kiểm soát lãnh thổ tại đây.

Để đối đầu với Taliban, Chính phủ Afghanistan cần huy động khoảng 25.000 binh sĩ chính thức đóng tại Helmand. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một phần con số thống kê đó không tồn tại. Trên khắp Afghanistan, danh sách binh lính và cảnh sát đầy những cái tên giả hoặc tên của người đã ngã xuống trên mặt trận nhưng không được tuyên bố là đã chết. Đại úy Wali và binh sỹ của mình phải đóng quân ở Babaji chính là để lấp đầy khoảng trống của những “lính ma” này.

Một cuộc điều tra mới đây của Hội đồng tỉnh Helmand cho thấy, khoảng 40% quân nhân trong danh sách không tồn tại. Những người được Chính phủ Afghanistan phân công điều tra việc này cho biết, tỷ lệ thực tế có thể còn cao hơn. Các quan chức Mỹ cũng quan ngại không kém, trong một báo cáo phát hành ngày 30-4, Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) cho rằng: “Cả Mỹ lẫn đồng minh Afghanistan đều không biết rõ bao nhiêu binh sĩ và cảnh sát Afghanistan thực sự tồn tại, hay nói rộng ra, họ không nắm rõ bản chất về khả năng hoạt động của các lực lượng này ”.

Nỗi lo đối phó với Taliban 

“Lính ma” là biểu tượng của tham nhũng - một “kẻ thù” thậm chí còn gây hậu họa hơn cả phiến quân. Ông Toofan Waziri, một nhà phân tích chính trị vừa đến làm việc tại Helmand trong đoàn thanh tra của Chính phủ cho biết, có những căn cứ người chỉ huy ra lệnh cho một nửa trong số 100 binh sĩ của mình rời quân ngũ mà không thông báo cho cấp trên. Tất cả chỉ để bỏ túi phần lương của các binh sĩ này.

Một lý do khác là các viên chỉ huy thường không báo cáo chính xác con số thương vong hoặc đào ngũ nhằm che giấu năng lực yếu kém của họ. Một trích dẫn trong báo cáo của Chính phủ cho biết, 300 binh sĩ đã được triển khai tới một căn cứ ở Sangin, nhưng khi kiểm tra thực tế, đơn vị này chỉ còn chưa đầy 15 binh lính.

Một vấn đề đáng lo là sống trong tình trạng kham khổ, tinh thần chiến đấu của quân nhân khu vực chiến tuyến ngày càng đi xuống. Có trường hợp, binh lính ở Marjah đã cung cấp cho Taliban một khẩu súng máy để đổi lấy một bao bột. Ngoài ra, nhiều sĩ quan còn tham gia vào việc buôn lậu ma túy. “Do nhiều binh sĩ và cảnh sát sử dụng ma túy nên khi nhận được thông tin tình báo từ các căn cứ, Taliban thường tấn công khi các binh sĩ “phê” thuốc”, ông Waziri nói.

Trải dài trên 12km đường cao tốc về phía bắc của Lashkar Gah, Babaji là một mục tiêu đáng giá cho Taliban. Năm 2009, hơn 4.000 liên quân do Anh đứng đầu đã nhiều tuần chiến đấu để giành giật quyền kiểm soát nơi này. Trong khi đó, các phần khác của Helmand - nơi khá nhiều binh lính Afghanistan và nước ngoài đã ngã xuống hiện nằm dưới sự kiểm soát của Taliban hay diễn ra giao tranh dữ dội. Theo báo cáo của Chính phủ Afghanistan, quân nổi dậy kiểm soát 95% huyện Kajaki, nơi quân đội Anh đã giành chiến thắng bằng cả “trái tim và khối óc” khi xây dựng một con đập cung cấp điện cho miền Nam Afghanistan. 

“Quân Taliban ở tỉnh Helmand dường như mỗi ngày lại càng mạnh thêm. Cho đến nay, Chính phủ không thể đem lại những cải cách về an ninh cho Helmand bởi họ không có một chiến lược thực sự”, ông Warizi nhận định. Giới phân tích cho rằng, với các khu vực mà đội quân Taliban đang giành giật nhằm kiểm soát, các cuộc không kích của Mỹ vào Helmand thời gian gần đây không phải là một chiến lược bền vững, nếu không có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dài hạn bên cạnh các cuộc tấn công quân sự.