Nam Phi: Nhức nhối nạn khai thác vàng "thổ phỉ"

ANTĐ - Sống trong hầm sâu tối om, ngột ngạt kéo dài từ 3 đến 6 tháng, đôi khi là 1 năm, trong cái nóng hầm hập 38 độ C, làm việc liên tục 12 tiếng đồng hồ/ngày và đối diện với hàng loạt nguy hiểm, nhưng mỗi ngày, hàng nghìn thợ mỏ bất hợp pháp vẫn chen chúc dưới khắp các mỏ vàng bỏ hoang của thành phố Johannesburg (Nam Phi) để kiếm vài đô la…
Nam Phi: Nhức nhối nạn khai thác vàng "thổ phỉ" ảnh 1

Những cuộc chiến khốc liệt

Johannesburg (Nam Phi) còn được gọi là eGoli (tiếng Afrikaan) có nghĩa là thành phố của vàng, hay Jozi (tiếng Afrikaan) có nghĩa là nơi ở của trời. Johannesburg (thành phố kinh tế lớn nhất Nam Phi) luôn được xem là một trong những vùng đất đặc biệt nhất thế giới. Nó nằm gần 2 vỉa quặng giá trị, gồm vàng ở phía Nam, nguồn gốc sự giàu có của thành phố và bạch kim ở phía Bắc. Đúng là vàng đã mang tới sự thịnh vượng cho Johannesburg. Tuy nhiên, thành phố vẫn có những khu ổ chuột khổng lồ của người nghèo, ở đó có những người kiếm kế sinh nhai bằng nghề đào vàng trái phép. Những người này còn được biết tới với biệt danh Zama Zama (tạm dịch “Hãy thử vận may”) ở Nam Phi.

Để có thể đào vàng họ mở lại các khu mỏ hợp pháp đã bị ngưng hoạt động, chui xuống lòng đất đào bới bằng các công cụ thô sơ trong điều kiện rất nguy hiểm. Số vàng được đánh đổi bằng máu và nước mắt của các “Zama Zama” sau đó được chuyển cho các băng tội phạm để bán ra nước ngoài. Có không ít trường hợp các “Zama Zama” lươn lẹo, dùng tiền hoặc vàng hối lộ cho những người điều hành hệ thống thang máy trong các khu mỏ hợp pháp hoặc dùng thẻ căn cước giả để xuống lòng đất, những mong kiếm được nhiều vàng hơn.

Cũng kể từ đây, họ chấp nhận sống liên tục dưới lòng đất trong khoảng thời gian kéo dài từ 3 tháng tới gần 1 năm trời, trong điều kiện nhiệt độ cao, làm việc liên tục 12 tiếng đồng hồ/ngày. Mối đe dọa thực sự đối với họ là các nhóm “zama zamas” khác. Ngoài việc bị đối thủ sát hại, các Zama có thể chết vì nhiều lý do khác nhau. Đó có thể là hơi thủy ngân rất độc bốc lên khi thợ xử lý quặng để tách vàng, hay những vụ sập hầm do dùng thuốc nổ phá đá, những vụ nổ khí methane do hút thuốc dưới hầm…

Vấn nạn khó dẹp

Nạn khai thác vàng “thổ phỉ” ở Johannesburg nói riêng và một số mỏ vàng khác ở Nam Phi nói chung ngày một hoành hành từ khai thác chui đến công khai. Trong khi đó, chính quyền và các cảnh sát tại đây thừa nhận “không kiểm soát nổi tình hình này”. Một cảnh sát cho biết sẽ không bao giờ chui xuống hầm mỏ đó chỉ để bắt các thợ mỏ bất hợp pháp vì nó quá nguy hiểm.

 Đường xuống hầm mỏ như “thiên la địa võng”, lực lượng cảnh sát có thể bị các “zama zama” phản công bằng lựu đạn, súng AK, vũ khí tự chế… bất thình lình. Còn đối với các công ty khai thác mỏ, “zama zamas” là những thành phần “cứng cổ, cứng đầu”. Cơ quan quản lý hầm mỏ của Nam Phi cho hay từ năm 1994 đến 2004, đã có hơn 150 triệu USD bốc hơi vì các thợ mỏ bất hợp pháp. Chính phủ cho rằng việc khai thác mỏ trái phép đem lại doanh thu đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Mỏ vàng Nam Phi năm ngoái chiếm 167,9 tấn trong tổng số 3,133 tấn vàng được khai thác trên toàn cầu trong năm 2014, giảm 6% (từ 179,5 tấn trong năm trước) theo số liệu kim loại Focus. Nam Phi là nước sản xuất vàng lớn nhất trên lục địa châu Phi, chiếm 28% tổng sản lượng hàng năm của khu vực. Trong khi giá vàng đang giảm và nhiều hầm mỏ ở Nam Phi ngừng hoạt động, các thợ mỏ bất hợp pháp trở thành một phần của mạng lưới tội phạm tinh vi, buôn lậu vàng đến các khách mua quốc tế. Đa phần “zama zamas” là người nhập cư. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ ở Nam Phi là hơn 50%. Điều này càng khiến những người di cư đến đây khó tìm được việc làm.

Vị cố vấn pháp lý của Cơ quan quản lý mỏ Nam Phi từng thừa nhận gần như không thể dẹp được nạn “vàng thổ phỉ”. “Khu vực nằm giữa Johannesburg và Welkom có hàng ngàn km đường ngầm. Vàng lại khai thác quá dễ nên hiện chúng tôi vẫn chưa biết phải chống lại vấn nạn này bằng cách nào” - vị này than thở.