Mỹ và châu Âu đồng loạt công kích tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một loạt những tuyên bố gần đây của Mỹ và các nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy mâu thuẫn đôi bên hết sức căng thẳng, xung đột lợi ích gay gắt đến mức đối đầu.
Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường lực lượng để đối phó với Trung Quốc

Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường lực lượng để đối phó với Trung Quốc

Những mâu thuẫn về lợi ích của Mỹ và châu Âu với Trung Quốc ở Biển Đông

Tiếp sau Mỹ, 3 nước châu Âu là Anh, Pháp và Đức, hay còn gọi là Nhóm E3, đã gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc (LHQ) nhằm phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong công hàm, 3 nước nhấn mạnh Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là “khuôn khổ pháp lý” cho mọi hoạt động trên biển và cần được duy trì tính toàn vẹn.

Đều nằm cách xa Biển Đông, cả 4 nước trên đương nhiên không thể có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ, Anh, Pháp và Đức không có lợi ích ở vùng biển này. Nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, Biển Đông bảo đảm thông thương cho khối lượng hàng hóa lên tới 5500 tỷ USD mỗi năm, cung cấp cho cả Mỹ, Anh, Pháp và Đức.

Biển Đông cũng mang giá trị tài nguyên đáng kể, đặc biệt là dầu mỏ và khí thiên nhiên. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ước tính, Biển Đông hiện có trữ lượng khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190.000 tỉ foot khối khí đốt (hơn 5.300 tỉ m3). Con số mà Trung Quốc đưa ra cao hơn: khoảng 125 tỉ thùng dầu và 500.000 tỉ foot khối khí đốt. Đáng nói là cho đến nay, phần lớn tài nguyên năng lượng ở Biển Đông vẫn chưa được khai thác, trong khi nhu cầu của thế giới ngày càng cao, thu hút sự quan tâm lớn của các công ty năng lượng Mỹ và châu Âu đến tìm cơ hội hợp tác.

Thế nhưng, những lợi ích của Mỹ, Anh, Pháp, Đức về quyền tự do thông thương trên biển, trên không và nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí ở Biển Đông với các nước trong khu vực đang bị tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng. Điều gì sẽ xảy ra với Mỹ và các nước châu Âu khi phần lớn Biển Đông bị coi là vùng biển riêng của Trung Quốc theo một loạt các yêu sách, từ “quyền lịch sử”, “đường lưỡi bò” đến “Tứ Sa” mà Bắc Kinh đưa ra? Khi đó, tất cả các tuyến đường qua Biển Đông đều nằm trong quyền kiểm soát của Bắc Kinh.

Không chỉ trên biển, Trung Quốc còn đang âm mưu thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Theo các chuyên gia quân sự, ADIZ trong tính toán của Bắc Kinh sẽ bao trùm cả quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía Bắc Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nếu âm mưu này của Trung Quốc trở thành hiện thực, máy bay các nước khi bay qua khu vực ADIZ mà Bắc Kinh áp đặt đều phải thông báo trước với Trung Quốc.

Trong lĩnh vực dầu khí, dựa vào yêu sách “Đường lưỡi bò” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước trong khu vực, Trung Quốc công khai ngăn chặn các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của nước khác. Tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc thường xuyên được đưa vào hoạt động trong vùng biển các nước, tàu hải cảnh thì quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, Malaysia. Nhiều hợp đồng khai thác dầu khí của các nước trong khu vực với các đối tác bên ngoài bị hủy bỏ dưới sức ép của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn các nước trong khu vực chỉ hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc.

“Cuộc chiến” pháp lý và biện pháp ngăn chặn toan tính của Trung Quốc

Trước nguy cơ những lợi ích của mình ở Biển Đông bị đe dọa bởi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu ngày càng cảnh giác và tìm cách ngăn chặn. Thời gian gần đây, những trận đấu khẩu giữa đôi bên ngày càng gay gắt. Quan điểm chung của Mỹ, Anh, Pháp và Đức là việc Trung Quốc vẽ ra cái gọi là “đường cơ sở thẳng” ở Biển Đông liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cùng khái niệm “quyền lịch sử” để đòi yêu sách với phần lớn Biển Đông là “vi phạm luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS”, Công ước mà Trung Quốc cũng là thành viên. Mỹ và các nước châu Âu cũng thường xuyên nhắc lại phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài thường trực trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đáng chú ý là Đức, quốc gia không có quyền sở hữu lãnh thổ nào trong khu vực, cũng không có lực lượng hải quân tác chiến xa bờ để thể hiện sức mạnh cường quốc trên những vùng biển xa xôi, cũng thể hiện sự quan tâm đến các vùng biển ở châu Á thông qua bản hướng dẫn chính sách dài 40 trang. Tài liệu này cho biết, cùng với những khát vọng khác, Đức hướng tới mục tiêu “đóng góp tích cực trong việc định hình trật tự quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Bên cạnh “cuộc chiến” pháp lý, Mỹ và các nước châu Âu tìm cách vô hiệu hóa tham vọng của Trung Quốc bằng các biện pháp cụ thể trên thực địa. Mỹ thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông với tần suất ngày càng thường xuyên hơn. Cùng tham gia tuần tra với Mỹ có Anh và Pháp. Theo tờ The Times, Anh đang có kế hoạch đưa nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, một trong hai tàu sân bay đầu tiên của Anh, tới Biển Đông vào năm tới. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Anh cho rằng mình có lợi ích lâu dài tại khu vực và cam kết duy trì an ninh ở khu vực này. Với Pháp, ngoài phối hợp với Mỹ, Paris còn kêu gọi liên minh với Australia và Ấn Độ để bảo toàn tính tự do và cởi mở của khu vực.

Trước các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc đối với các hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông của nước khác, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố nhấn mạnh “Trung Quốc nên chấm dứt thói bắt nạt của mình và kiềm chế các hành động khiêu khích, gây bất ổn như vậy”. Khi Trung Quốc điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 áp sát tàu khoan thăm dò dầu khí West Capella của Malaysia đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông, Mỹ đã điều tàu USS Barry cùng tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill tiến hành các hoạt động gần nơi hoạt động của tàu West Capella để gián tiếp cảnh báo Trung Quốc.

Nhằm tăng cường thực lực đối phó với Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố kế hoạch mở rộng hải quân để đối đầu với các thách thức trên biển từ Trung Quốc. Theo kế hoạch “Tiến về tương lai” mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper công bố, hải quân Mỹ sẽ tăng số lượng tàu chiến hiện nay từ 293 tàu lên hơn 355 tàu các loại từ nay tới năm 2045 để duy trì ưu thế trước các lực lượng hàng hải Trung Quốc, vốn được xem là mối đe dọa chính với Washington.