Mỹ sẽ giám sát tình hình Biển Đông

ANTĐ - Mỹ sẽ theo dõi  tình hình Biển Đông để xem các nước có thực hiện “các bước làm giảm căng thẳng” ở khu vực này hay không, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết ngày 11-8, một ngày sau khi Trung Quốc bác bỏ đề xuất “đóng băng” các hành động khiêu khích trên Biển Đông do Mỹ đưa ra tại  Diễn đàn an ninh Khu vực ASEAN (ARF).

Ông John Kerry và bà Julie Bishop bay tới Sydney sau khi tham dự ARF 

Tuyên bố trên được một quan chức giấu tên đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Sydney cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và các quan chức Australia để thảo luận về tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh mạng.  Tại diễn đàn Khu vực ASEAN diễn ra cuối tuần qua tại Myanmar, đề xuất của Mỹ về việc đóng băng các hành động gây hấn trên Biển Đông đã vấp phải sự phản ứng từ phía Trung Quốc. Sau khi tham dự diễn đàn trên, Ngoại trưởng Mỹ đã tới Sydney cùng Ngoại trưởng Australia Julie Bishop. Ông Kerry và bà Julie Bishop đang lên kế hoạch có những hành động tiếp theo sau các chủ đề đã được thảo luận tại hội nghị ARF và sẽ tiếp tục nêu vấn đề này tại một hội nghị tới đây giữa ASEAN và Trung Quốc.

Tại Australia, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà David Johnston, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định, Mỹ sẽ kiên định với chính sách xoay trục tại châu Á-Thái Bình Dương. Ông Chuck Hagel nhấn mạnh Thỏa thuận bố trí lực lượng Mỹ và Australia dự kiến được ký kết ngày 12-8 sẽ đặt ra khung pháp lý cho sự hiện diện của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại thành phố Darwin, miền Bắc Australia và cho phép Washington mở rộng triển khai quân ở Australia trong 25 năm tới. Hiện có khoảng 1.150 binh sĩ Mỹ đang đóng ở Darwin, miền Bắc Australia theo một thỏa thuận từ năm 2011. Dự kiến đến năm 2017, Mỹ sẽ có khoảng 2.500 binh sĩ đồn trú ở đây để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đối phó với xung đột và thảm họa trong khu vực.