Ông B. Obama phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi
Tổng thống Mỹ B. Obama và gần 50 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia châu Phi đã có 3 ngày gặp nhau (từ ngày 4 đến 6-8) tại Thủ đô Washington để thảo luận về hàng loạt các vấn đề, từ phát triển kinh tế, đầu tư đến giải quyết tình trạng nghèo đói, bệnh tật, chống khủng bố…
Những năm trước đây, nói đến châu Phi là nói đến xung đột, dịch bệnh và nghèo đói. Thế nhưng hiện nay, châu lục này đang có bước chuyển mình đáng khích lệ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá châu Phi hiện có tốc độ phát triển nhanh hơn châu Á, nơi có 6 trong số 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Triển vọng tăng trưởng cùng nguồn tài nguyên phong phú và dồi dào đang làm cho châu Phi ngày càng hấp dẫn với thế giới. Điều đó giải thích vì sao tần suất các chuyến thăm của nguyên thủ các nước lớn đến châu Phi cứ dày thêm. Mới trung tuần tháng trước, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga V. Putin và Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đến “lục địa đen”.
Từng là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi nhưng Mỹ đã để tuột mất vị trí này vào tay Trung Quốc từ 5 năm trước. Hiện nay, Mỹ chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi, sau EU và Trung Quốc. Trong năm 2013, nếu Mỹ chỉ đạt 60 tỷ USD trong trao đổi thương mại với châu Phi thì con số này của EU và Trung Quốc lần lượt là 200 tỷ USD và 170 tỷ USD.
Giành lại châu Phi trong cuộc đua với các đối thủ là điều mà Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry không hề úp mở trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần đầu tiên. Bình luận về việc này, ông C. Wood, một nhà phân tích tại Viện Các vấn đề quốc tế Nam Phi, cho rằng: “Mỹ có lẽ đã tụt lại phía sau trong cuộc đua nhằm chinh phục cảm tình của châu Phi. Vì thế, hội nghị là con đường để Mỹ chạy đua với những đối thủ như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)”.
Chính vì thế, để “lấy lòng” châu Phi, tại cuộc gặp lần này, phía Mỹ sẽ thông báo khoản tài trợ nhiều tỷ USD cho chương trình Điện lực châu Phi. Trước đó, hôm 29-7, chính quyền của ông B. Obama cũng đã hối thúc Quốc hội gia hạn Luật Cơ hội tăng trưởng châu Phi (AGOA) trước thời điểm hết hạn vào tháng 9-2015 nhằm tạo điều kiện cho chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại với châu Phi, đồng thời cho phép hầu hết các nước châu Phi tiếp cận ưu đãi thị trường Mỹ.
Washington cũng khá khéo léo khi “cạnh khoé” đối thủ Bắc Kinh rằng Trung Quốc chỉ quan tâm khai thác tài nguyên thay vì thúc đẩy sức mạnh kinh tế của châu Phi. Ngược lại, trong tuyên bố trước khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - châu Phi diễn ra, ông B. Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tự quảng bá: “Chúng tôi không chăm chăm vào tài nguyên của châu Phi mà chú trọng tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương”.
Tuy nhiên, sau một thời gian xao nhãng, khoảng cách giữa Mỹ với các đối thủ trong cuộc đua trên “lục địa đen” đã khá xa. Lấy lại ảnh hưởng ở châu lục này không phải là điều dễ dàng với Mỹ.