Mỹ kêu gọi Philippines, Nhật Bản và Việt Nam hợp sức đối phó với Trung Quốc

ANTĐ - Ông Blair cho rằng các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc “không thể chỉ đơn giản nhượng bộ”, mà phải tìm ra các biện pháp đối phó với những hành động ngang ngược của Bắc Kinh.
Công bố bản đồ dọc, Trung Quốc khơi mào chiến tranh?
Theo tờ The Washington Post của Mỹ ngày 27-6 đã đăng bài báo có tựu đề “Liệu bản đồ mới của Trung Quốc có phải là sự mở đầu một cuộc chiến tranh?”, theo như bài viết phân tích việc Bắc Kinh tuần qua phát hành tấm bản đồ mới 10 đoạn đứt khúc, thay vì 9 đoạn như trước đây, tuy không quá bất ngờ đối với các nước láng giềng, nhưng nó là một bước đi khẳng định dứt khoát yêu sách gần như toàn bộ biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi từ trước tới nay.

Bản đồ dọc của Trung Quốc "liếm" gần hết biển Đông

Đây có thể là sự khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang mới và một cuộc khẩu chiến như đã từng xảy ra, khi Trung Quốc phát hành các tấm hộ chiếu in bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn và cả các vùng lãnh thổ đang có tranh chấp với Ấn Độ.
Cùng ngày, Hãng tin Bloomberg của Mỹ dẫn các nguồn tin tại Trung Quốc nói rằng một trong những giàn khoan dầu mới của nước này đã “tới vị trí của nó” ở biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 160km.
Mỹ kêu gọi Philippines, Nhật Bản và Việt Nam hợp sức chống Trung Quốc
Ông Dennis Blair, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng Philippines, Nhật Bản và Việt Nam mỗi nước cần phải có hành động mạnh mẽ chống lại những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, không thể ngồi im nhìn Trung Quốc bành trướng và đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý trên cả biển Đông lẫn biển Hoa Đông.
Ông Blair cho rằng các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc “không thể chỉ đơn giản nhượng bộ”, mà phải tìm ra các biện pháp đối phó với những hành động ngang ngược của Bắc Kinh.
Về phía Trung Quốc, theo ông Blair, Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những hành động nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền đơn phương của nước này, nhưng sẽ dám không vượt qua “giới hạn tự đặt ra” để làm leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột. Trung Quốc biết rằng nếu xung đột diễn ra ở biển Hoa Đông hoặc biển Đông, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, trong “giới hạn tự đặt ra”, Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng vùng nhận dạng phòng không hoặc tuyên bố các vùng đánh cá mới trên các vùng biển tranh chấp, chuyên gia này nhận định.
Ông Blair kêu gọi các nước láng giềng nên tận dụng “giới hạn tự đặt ra” của Trung Quốc, hợp sức chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.
Nhật sẽ đánh bại Trung Quốc nếu Mỹ giúp đỡ
Truyền thông Nhật Bản cho hay nước này và đồng minh Mỹ sẽ đánh bại Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc nếu xung đột xảy ra ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 27-6 dẫn lại truyền thông Nhật Bản. Tokyo sẽ thành lập một đơn vị tấn công đổ bộ bao gồm 3.000 binh sĩ để bảo vệ các hòn đảo do nước này kiểm soát thuộc Senkaku/Điếu Ngư.
Mỹ kêu gọi Philippines, Nhật Bản và Việt Nam hợp sức đối phó với Trung Quốc ảnh 2
Tàu hải giám Trung Quốc (giữa) "chạm trán" với 2 tàu hải cảnh Nhật gần Senkaku/Điếu Ngư năm 2012

Nhật Bản cũng đã mua 52 xe bọc thép đổ bộ “lưỡng cư” AAV7 và các máy bay quân sự V-22 Osprey từ Mỹ cho đơn vị này. Tuy nhiên, một mình Nhật Bản vẫn chưa đủ để đánh bại Trung Quốc.
Truyền thông Nhật Bản cho rằng trong trường hợp xung đột, Trung Quốc sẽ điều động ba hạm đội lớn của Hải quân nước này là Hạm đội Đông Hải, Bắc Hải và Nam Hải để bao vây các hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư và Tokyo sẽ phải cần sự hỗ trợ của Mỹ để đánh thắng Trung Quốc.
Nếu Washington can thiệp vào, tàu ngầm Hải quân Mỹ sẽ tấn công và phong tỏa các cảng lớn của Trung Quốc để ngăn chặn các tàu chiến của Trung Quốc.
Với sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ triển khai Đội tàu hộ tống số 2 ở thành phố Sasebo và Đội tàu hộ tống số 4 ở thành phố Kure.
Trong hai đội tàu có các tàu khu trục lớn Kongo được trang bị tên lửa dẫn đường, có thể đánh bại các tàu chiến Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc có nguy cơ bị tiêu diệt bởi các tàu ngầm lớp Soryu và lớp Oyashio vốn đang tuần tra quanh Senkaku/Điếu Ngư. Hiện tàu sân bay Liêu Ninh vẫn chưa thể triển khai chiến đấu cơ mang tên lửa từ boong tàu.
Trước đó và hồi 5-2014 truyền thông Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản sẽ thiết lập ba đơn vị quân sự tại ba hòn đảo gần quần đảo tranh chấp với Trung Quốc. Mỗi căn cứ sẽ có 350 binh sĩ. Đây được cho là một động thái nhằm đối phó với Trung Quốc.
Ba hòn đảo này là Amamioshima, Miyako và Ishigaki, nằm cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 150-210km. Các căn cứ quân sự trên ba hòn đảo này sẽ tăng cường cho đơn vị quân sự ở đảo Yonaguni. Lễ động thổ xây dựng đơn vị này đã diễn ra hồi tháng 4.2014.
Tokyo sẽ triển khai 100 binh sĩ Lực lượng phòng vệ của nước này (SDF) và radar quân sự đến đơn vị quân sự đảo Yonaguni, cách Đài Loan 180 km về phía đông, gần Senkaku/Điếu Ngư.